Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 15-2, từ góc độ quản lý Nhà nước về đất đai, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM, kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một chương riêng quy định về đất do Nhà nước quản lý (hay gọi là đất công) vì vấn đề này rất hệ trọng trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM Trần Văn Bảy kiến nghị thiết kế một chương riêng quy định về đất do Nhà nước quản lý.
Nhiều văn bản không tương thích với nhau
"Đây là vấn đề phức tạp, vô cùng nhạy cảm. Một bộ phận cán bộ "chùn tay" không dám xử lý hồ sơ cũng vì chỗ này. Hiện nay, vấn đề này được điều chỉnh trong các luật khác nhau, ngoài Luật Đất đai còn có Luật Quản lý tài sản công, Nghị định 167 và hàng loạt văn bản có liên quan và có sự không tương thích, nếu không muốn nói là xung đột giữa các đạo luật liên quan tới tài sản công"- ông Trần Văn Bảy nói và nhấn mạnh rằng rất nhiều cán bộ ngại xử lý hồ sơ liên quan tới tài sản công.
Ông Trần Văn Bảy dẫn chứng khi cổ phần hóa doanh nghiệp, phần đất doanh nghiệp Nhà nước đang thuê là đất Nhà nước quản lý và không được đưa vào giá trị cổ phần hóa. Công ty cổ phần hóa sau này tiếp tục thuê đất Nhà nước, trả tiền hàng năm. Sau đó, công ty xin thuê trả tiền một lần theo Luật Đất đai và Nhà nước thu được một khoản tiền. Khi chuyển qua chế độ thuê một lần thì công ty có thẩm quyền bán đất đó...
Lấy thêm dẫn chứng đất là nhà xưởng nhưng theo quy hoạch mới thì ô nhiễm môi trường nên doanh nghiệp được chuyển mục đích sang đất ở và lập dự án, ông Trần Văn Bảy cho rằng thời gian qua, quan điểm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra và xét xử, cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cũng chưa thống nhất về việc này.
"Có ý kiến cho rằng giải quyết như vậy là phù hợp với Luật Đất đai nhưng cũng có ý kiến nói giải quyết như vậy là không đúng quy định về quản lý tài sản công và hỏi vì sao không đấu giá? Thế nhưng tài sản trên đất là của doanh nghiệp, đất người ta sử dụng hợp pháp, không vi phạm quy định luật đất đai, chuyển mục đích phù hợp quy hoạch" – ông Trần Văn Bảy nói.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng người dân rất quan tâm đến việc thu hồi đất, tuy nhiên quy định còn thiếu nhiều trường hợp thu hồi đất, đặc biệt liên quan đến đất công.
"Chẳng hạn như khi có phương án quản lý sắp xếp tài sản công từ Ban chỉ đạo 167 thì có phải là căn cứ để thu hồi đất hay không? Hiện nay, thanh tra, kiểm tra kết luận việc mua bán đó là trái quy định nên phải thu hồi. Tuy nhiên, quy định pháp luật không nói đến việc thu hồi đất theo kết luận thanh tra, việc này gây lúng túng cho cơ quan quản lý Nhà nước" – ông Trần Văn Bảy băn khoăn.
Băn khoăn người dân không được lựa chọn giải quyết tranh chấp
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, điều 225 dự thảo quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan tới TAND khi được yêu cầu.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM Ung Thị Xuân Hương cho rằng nên giữ quy định người dân được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa án khi tranh chấp đất đai mà không có giấy chứng nhận.
"Tuy nhiên, có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do TAND giải quyết. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc giấy tờ thì đương sự được lựa chọn giải quyết tại UBND cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại tòa án" – bà Ung Thị Xuân Hương nói.
Nguyên Chánh án TAND TP HCM lý giải, quy định này sẽ tạo thêm sự lựa chọn cho người dân, đồng thời giảm tải cho tòa án. Mặt khác, UBND là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nên đối với những tranh chấp mà đương sự chưa có giấy chứng nhận thì sau khi giải quyết tranh chấp, UBND có thẩm quyền sẽ thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận theo quyết định giải quyết tranh chấp.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng mặc dù trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, song pháp luật nước ta luôn giao cho UBND là một trong những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Bởi vì đây là cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai nên việc thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc đất, liên quan đến quá trình sử dụng đất rất thuận lợi, do các hồ sơ, tài liệu này đều đang được lưu giữ tại cơ quan hành chính.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng khi khởi kiện ra tòa người dân phải đóng lệ phí lên đến 5% giá trị tài sản tranh chấp.
"Cơ chế giải quyết thông qua UBND thủ tục đơn giản hơn, người dân không phải nộp lệ phí. Dự thảo đã sửa theo hướng bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của UBND là đã thu hẹp bớt quyền của người dân, đã bỏ đi một cơ chế giải quyết có tính linh hoạt và có tính ưu việt riêng" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Hơn nữa, do đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho TAND thì sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giải quyết đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.
"Về tranh chấp đất đai, tôi đề nghị bổ sung thêm cấp giải quyết là UBND ở cơ sở, điều này phù hợp với luật hòa giải ở cơ sở, phù hợp với nguyên tắc của luật dân sự là việc dân sự cốt ở hai bên" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM, cho rằng xử lý tranh chấp là việc của tư pháp. Còn nếu nói cơ quan tư pháp không đủ người, không đủ biên chế thì ngành tư pháp phải có giải pháp.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM nêu quan điểm nên thống nhất giao tòa án giải quyết tranh chấp đất đai.
"Chúng ta đủ sức để làm việc này. Nếu tố tụng dân sự thì có hòa giải tiền tố tụng, còn hành chính thì có đối thoại tiền tố tụng. Sử dụng 2 kênh này rất hiệu quả. Ở TP HCM, chúng tôi có số liệu nghiên cứu và thấy hiệu quả, không lo chuyện TAND xử lý thì không nắm vấn đề quản lý về đất đai. Chúng ta phải xuất phát từ nguyên lý tổ chức bộ máy Nhà nước để phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan để tính toán giao cho ai giải quyết cho "tâm phục, khẩu phục", đặc biệt là khiếu kiện" – ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, người dân khiếu nại lên UBND quận và được giải quyết nhưng không đồng ý, lại khiếu nại lên UBND TP rồi kiện ra tòa cứ "lòng vòng" như thế.
"Dù UBND có giải quyết khiếu nại đúng đi nữa thì cũng khó thuyết phục người dân. Vì vậy phải ra toà xét xử. Đến thời điểm này hồ sơ, dữ liệu đất đai cũng tương đối nề nếp hơn so với trước đây, đủ diều kiện để thực hiện phân công lại cho hợp lý" – ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh.
Bình luận (0)