Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị tại mục (XIV)- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, ở phần 2 về Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, có viết: "Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng".
Xưa nay quyền lực là một vấn đề nhạy cảm, một con dao hai lưỡi. Ở đâu có quyền lực, ở đó có người đến luồn cúi, cầu cạnh... Và ai cũng biết rằng khi quyền lực không được kiểm soát hay kiểm soát không có hiệu quả thì thật tai hại.
Kiểm soát quyền lực nhà nước là quy luật khách quan không chỉ cần cho thể chế chính trị chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa mà cả chế độ tư bản. Để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện luật pháp theo hướng tạo nên sự độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là nhánh tư pháp; hoàn thiện và phát huy vai trò phản biện xã hội, giám sát xã hội, nhất là việc cần phải nhanh chóng ban hành luật xử lý các vi phạm Hiến pháp. Đồng thời, cần xác lập cơ chế để mỗi công dân có quyền tham gia thực sự vào các quyết định có liên quan của hệ thống các cơ quan đại diện quyền lực xã hội và các quyết sách về quốc kế dân sinh.
Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng - Ảnh: NLĐO
Để hiện thực hóa được những yêu cầu đó cần trước hết bắt đầu từ chính sự minh bạch trong mỗi con người, nhất là những người đại diện nhân dân thực hiện quyền. Trên thực tế, việc giám sát quyền lực ở Việt Nam là vấn đề khá mới vì từ năm 2013, Hiến pháp mới bổ sung nội dung kiểm soát quyền lực. Trong các văn kiện Đảng trước đây cũng không nói một cách cụ thể vấn đề kiểm soát quyền lực.
Do đây là vấn đề mới nên trong nghị quyết của Đảng mới nói tới việc xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực.
Theo Cương lĩnh, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa ghi nhận và phát triển cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta. Việc hiến định nguyên tắc kiểm soát quyền lực, đồng thời cụ thể hóa sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta, phù hợp tiếp thu những hạt nhân hợp lý, giá trị phổ quát của nhà nước pháp quyền trên thế giới.
Thực trạng hê thống pháp luật và trong sự vận hành nhà nước chưa làm sáng tỏ "tính độc lập tương đối" của mỗi quyền, sự chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, bảo đảm quyền lực không bị tha hóa và bị lạm dụng. Vẫn còn chồng chéo cũng như lạm quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Về cơ chế kiểm soát quyền lực, vừa qua không đủ công cụ kiểm soát nên quyền lực bị lợi dụng, tha hoá, một số cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực thì sẽ tha hoá.
Đúng là một khi "không đủ công cụ kiểm soát quyền lực" thì việc quyền lực bị lợi dụng, "cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho" là điều khó tránh khỏi.
Tha hóa quyền lực nhà nước là xu hướng khó tránh khỏi nếu thiếu thiết chế, cơ chế kiểm soát có hiệu lực, hiệu quả. Ở nước ta, tình trạng tha hóa quyền lực đã và đang dẫn đến tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương là nhiệm vụ cấp thiết. Để làm được điều đó, phải có quyết tâm chính trị cao, mặt khác phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn.
Đối chiếu thực trạng xây dựng nhà nước hiện nay với yêu cầu của Cương lỉnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thấy còn nhiều bất cập cần được Dự thảo Văn kiện nêu ra các giải pháp khắc phục để hoàn thiện nhà nước pháp quyền.
Hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước hiện nay có thể nói chưa có hiệu quả thiết thực, chưa cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực, đồng thời cụ thể hóa sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thành những cơ chế, thiết chế cụ thể.
Trước hết là, thiếu cơ chế thiết chế bảo đảm sự phân công, phối hợp. Thứ hai, chưa có cơ chế, thiết chế kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như chức năng giám sát tối cao của Quốc hội; chức năng thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hoạt động kiểm soát quyền lực của cơ quan tư pháp... Những cơ chế, thiết chế chưa cụ thể, thiếu tính khả thi, lai không thực hiện nghiêm minh. Phương thức kiểm soát trong bộ máy, hoạt động kiểm tra của Đảng là cơ bản và không thể thiếu nhưng thực tế cho thấy, không ai giám sát bộ máy để giúp kiểm soát quyền lực tốt hơn sự giám sát của chính người dân (thông qua các tổ chức, công luận, các hoạt động phản biện xã hội, khiếu kiện, tố cáo...). Vẫn chưa đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao tính quần chúng, tính độc lập, chủ động, sáng tạo, còn tình trạng "hành chính hóa", "nhà nước hóa" của các tổ chức đó.
Để nâng cao hiệu quả của hình thức kiểm soát quyền lực này, trước mắt phải thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các quy định, quy chế khác.
Giám sát, kiểm soát chỉ dừng lại ở mức độ "quy chế" là chưa đủ vì còn những việc rất quan trọng như hậu giám sát, chế tài xử lý qua quá nhiều tầng nấc không kịp thời và thiếu tính răn đe. Vì vậy, Dự thảo cần khẳng định luật hóa thành Luật Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
Tại phần (4) - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí - có viết: "Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; từ đó nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí".
Tham nhũng là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế-xã hội lỏng lẻo, yếu kém tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó, một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.
Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước, là một nguyên nhân không kém phần quan trọng tạo ra phân hóa giàu nghèo,đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tham nhũng ở nước ta là "xây dựng nhà nước pháp quyền chưa triệt để". Ba bộ phận lập pháp, hành pháp và tư pháp ở ta chưa phân công rõ ràng rành mạch, chưa thể kiểm soát kìm chế nhau hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng như tinh thần nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy, trong điều kiện nước ta hiện nay, bên cạnh đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng tha hóa quyền lực, phải tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Từ những bất cập nêu trên, thiết nghĩ Dự thảo cần làm rõ phương hướng khắc phục để hoàn thiệt nhà nước pháp quyền, có cơ chế công cụ pháp lý mạnh mẽ để nhân dân và các tổ chức đại diện nhân dân như Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền hơn nữa là giám sát quyền lực công hiệu quả, dân chủ đích thực không hình thức.
Bình luận (0)