Tiếp tục kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIV, ngày 27-5, QH dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em" giai đoạn 2015-2019.
Thực trạng nhức nhối
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2015-2019, cả nước xảy ra 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Trong đó, có 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 73,85%. Đáng lưu ý, 337 trẻ tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ bị mang thai, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật...
Đại biểu (ĐB) Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho rằng đó là những con số quá đau lòng. "Đau đớn thay, phẫn nộ thay, những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì ngược lại, bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông và cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò, đủ dạng, đủ kiểu..." - ĐB Mai nói.
ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) dùng từ "đau xót" khi nói về trẻ em bị xâm hại dẫn đến tử vong, cũng như trẻ em gái có thai do bị xâm hại tình dục. "Những nơi tưởng chừng an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội lại là những nơi ngày càng gia tăng nguy cơ xâm hại trẻ em. Chúng ta chứng kiến sự băng hoại đạo đức xã hội đến cùng cực khi những vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái không còn là cá biệt" - ĐB Hiền nêu.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền đề nghị sớm có luật riêng để bảo vệ trẻ em Ảnh: NGUYỄN Ý
Phát biểu về phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH, cảnh báo những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đang tạo ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ.
Theo ĐB Thủy, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng là lập các phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, các diễn đàn trên mạng để lôi kéo trẻ em tham gia. Sau đó, bọn chúng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng. Bước tiếp theo là dụ dỗ trẻ phơi bày các bộ phận cơ thể, tạo dáng để ghi hình. "Khi đã có được những hình ảnh, đoạn phim của trẻ thì các đối tượng ép trẻ phải quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng".
Từ thực trạng này, ĐB Thủy kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học. Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện từ sớm.
Nền móng vững, ngôi nhà mới an toàn
Từ thực trạng trên, ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: Phải chăng hệ thống chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em chưa bảo vệ được các em trước cái xấu? Hay nói cách khác, nó chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc?...
Theo ĐB Hiền, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, phải như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ, cần phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng, bởi khi nền móng lung lay, sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho trẻ. "Nền móng chính là đầu tư nguồn lực và quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ. Đặc biệt là nhận thức của các cấp chính quyền, địa phương về công tác này".
Đưa ra lập luận này, ĐB Hiền kiến nghị sớm nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống xâm hại trẻ em để có đạo luật riêng bảo vệ trẻ em.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị xem xét sửa đổi, điều chỉnh văn bản pháp luật hiện hành để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. ĐB Phương còn đưa ra đề xuất đáng chú ý đó là "thiến hóa học" đối với tội phạm xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích; công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng. Theo ông Phương, nếu trong pháp luật đưa các hình thức xử phạt này vào thì sẽ góp phần giảm mạnh các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
Hôm nay (28-5), ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 kỳ họp thứ 9, QH sẽ nghe Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
"Nhìn lại cách chúng ta đang đối xử với trẻ em"
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng có lẽ chưa bao giờ bức tranh về thực trạng xâm hại trẻ em được nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện với nhiều sắc thái và cung bậc cảm xúc, từ "cảm thông, giận dữ cho đến đau đớn" như vậy. Theo ông, chúng ta căm phẫn với những con số trong báo cáo và những phân tích của các ĐB nhưng cũng rất mừng vì chuyên đề giám sát tối cao lần này cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em.
Bình luận (0)