Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm và đề nghị xử lý nghiêm sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân. Cử tri còn quan tâm về số ca Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán; về chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; về tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, do ảnh hưởng dịch Covid-19; về tình trạng khan hiếm xăng do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng…
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị cần làm rõ vấn đề cử tri quan tâm từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm ở TP HCM để "thổi giá" đất khu vực này. Đối với việc đưa vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, ông Ngô Sách Thực cho biết vấn đề này nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận. Do đó, nhiều ý kiến mong muốn làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân hay chất lượng sản phẩm, quy trình đấu thầu.
Đề cập vụ bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ ra nhiều hiện tượng bất thường nổi lên gần đây liên quan đến việc mua bán đất đai như: giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế... Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng; các cơ quan của Quốc hội cũng cần giám sát để bảo đảm xử lý cho đúng.
Đáng chú ý, về việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu có tình trạng khan hiếm, Chủ tịch Quốc hội cho biết đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan khác phối hợp để tổ chức giám sát.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; xem xét và biểu quyết thông qua việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Dự kiến trong 2 ngày rưỡi của phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; cho ý kiến về các vấn đề cần sửa đổi trong Luật Hải quan; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Giá…
Ngoài ra, trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả bước đầu về việc triển khai chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và đề xuất những cách thức tổ chức tiếp theo.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!