Ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội. Đây là tọa đàm tham vấn chuyên gia đầu tiên được tổ chức trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với sự tham dự của 80 chuyên gia trong nước, chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)...
Đề xuất gói hỗ trợ tiền mặt 77.000 tỉ đồng
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết năm 2021, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu chưa bắt nhịp, đồng điệu với kinh tế thế giới. Vì vậy, cần làm rõ nguyên nhân để có giải pháp thực hiện kế hoạch các tháng cuối năm 2021 và xây dựng kế hoạch 2022.
Ông Terence Jones - quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP - đề xuất một chương trình hỗ trợ tiền mặt, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021. Gói chính sách này có quy mô khoảng 77.000 tỉ đồng, áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em - dành cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ); gói dành cho phụ nữ mang thai, người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên và người khuyết tật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc tọa đàm Ảnh: LÂM HIỂN
TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đề cập việc chuyển đổi mô hình chống dịch từ "zero Covid" sang "sống chung với dịch". Nhưng quan điểm và hành động của các địa phương hiện đang rất khác nhau do người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch, hệ quả tất yếu là chỉ cần có vài ca nhiễm họ sẽ "khóa cứng" địa phương mình, đã gây đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Nếu vẫn mỗi tỉnh một kiểu thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được? Liệu các nhà đầu tư đang muốn chuyển đổi các chuỗi cung ứng có muốn tìm đến chúng ta hay không?" - ông Dũng đặt vấn đề.
Đơn giản hóa và thông minh hơn trong phòng dịch
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đưa ra 6 khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.
Thứ nhất, ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc-xin.
Thứ hai, sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19.
Thứ ba, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.
Thứ tư, đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA).
Thứ năm, nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, thương mại điện tử, kinh tế tuần hoàn...) để tạo thêm không gian kinh tế trong nước. Thứ sáu, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Đại diện WB tại Việt Nam, ông Jacques Morisset, chỉ ra 5 nguyên nhân của kết quả đi xuống ở Việt Nam là do tình hình y tế xấu đi; các chương trình tiêm chủng chậm; hạn chế di chuyển nghiêm ngặt hơn; chính sách ứng phó về kinh tế có quy mô nhỏ và thiếu cân bằng; các chương trình trợ giúp xã hội còn rụt rè, hạn chế. Đại diện WB đưa ra 4 đề xuất.
Theo đó, vẫn tiếp tục xác định tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm). Tiếp tục có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn. Tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương và hạn chế gia tăng bất bình đẳng. Một đề xuất khác của ông Jacques Morisset là cần đơn giản hóa việc kiểm soát khu vực biên giới, cụ thể là phê duyệt nhập cảnh cho du khách.
Tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội thường niên
Phát biểu bế mạc tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với các chuyên gia về việc phải tập trung đẩy nhanh chiến lược tiêm chủng vắc-xin, xét nghiệm. "Cần có lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp trên cơ sở tỉ lệ tiêm chủng vắc-xin, không mở cửa ồ ạt, đồng đều mà có lộ trình, có điều kiện cho từng ngành, lĩnh vực, đối tượng cá nhân và doanh nghiệp" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế - xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp...
Chủ tịch Quốc hội nhất trí đề xuất của các chuyên gia về sự cần thiết phải có một chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, có sự phân chia giai đoạn cụ thể để có chính sách phù hợp. Nhiều ý kiến cho rằng cuối năm 2021 có thể chuyển sang giai đoạn thích ứng với Covid, khôi phục kinh tế - xã hội với lộ trình và bước đi cụ thể, tạo nền tảng và bước đi vững chắc cho phục hồi kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo với các chuyên gia về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội thường niên (dự kiến trong quý I/2022 về chủ đề phục hồi kinh tế sau đại dịch).
Nghịch lý nguồn cung lao động
TS Nguyễn Sỹ Dũng chỉ ra một vấn đề hệ trọng là nghịch lý lao động đang trong tình trạng "nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa". Hiện các khu công nghiệp ở TP HCM, Bình Dương đang thiếu trầm trọng lao động, nhất là sau đợt bùng phát dịch khiến hàng triệu lao động phải trở về quê. Nhưng các chuỗi cung ứng toàn cầu thì không thể đứt gãy được. Nếu chúng ta không có biện pháp kéo người lao động trở lại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì hệ quả sẽ rất lớn về kinh tế.
Bình luận (0)