Ngày 24-2, ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM để nghe báo cáo tình hình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Buổi làm việc nhận được nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tránh việc khó áp dụng
Nêu ý kiến tại đây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM Trần Văn Bảy nhận xét dự thảo luật quy định việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí tái định cư rất khó thực hiện trong thực tế.
Ông Trần Văn Bảy dẫn chứng ở những dự án lớn phải có dự án tái định cư, mà tái định cư thì cũng phải thu hồi đất của dân. "Như vậy khâu này xử lý như thế nào? Ngay cả các dự án triển khai bằng đầu tư công thì địa phương có kế hoạch khá chu đáo về bố trí tái định cư gồm nền đất, căn hộ… nhưng bảo rằng phải bố trí trước tái định cư thì về pháp lý nếu điều này thông qua thì phải sửa hàng loạt đạo luật có liên quan" - ông Trần Văn Bảy nói.
Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP HCM, cho rằng quỹ đất hạn hẹp nên có những dự án lấy đất tại dự án đó phục vụ tái định cư. Rồi muốn cưỡng chế phải có tái định cư trong khi tái định cư lại nằm trong khu phải thu hồi lại… cứ như đi con đường vòng và không có lối ra. Phó Chánh án TAND TP HCM cho hay đó là thực tiễn rút ra khi phối hợp với các cơ quan giải quyết các vấn đề khiếu kiện liên quan tới đất đai. Từ đó, ông kiến nghị điều chỉnh lại nội dung thu hồi đất phải bố trí tái định cư, phải tùy từng dự án chứ quy định chung sẽ rất khó trong áp dụng.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, kiến nghị tiếp tục nghiên cứu quan điểm về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó, cần quy định rõ và kỹ trên nguyên tắc làm sao để từ quy định đến quá trình triển khai được dễ dàng. Còn hiện nay, công tác này không chỉ vướng với người dân mà ngay cả cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng vướng.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết cũng mong Quốc hội quan tâm đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo đó, phải có cách tính làm sao để người dân an tâm rằng giá đó đã tiệm cận giá thị trường. Ngoài ra, bài học của TP HCM về đấu giá tài sản cũng như đất đai cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu thêm. Việc này cần chuyên gia, cơ quan chuyên môn của trung ương tính toán kỹ hơn.
Ông Trần Văn Bảy nêu ý kiến về nội dung tái định cư
Sẽ có phương án tối ưu
Một vấn đề nữa, theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, đã lấy Luật Đất đai làm trung tâm thì cần thống nhất các thuật ngữ trong hệ thống luật để không bị vướng, các quy định nên cụ thể để tránh trường hợp Chính phủ phải hướng dẫn quá nhiều. Bên cạnh đó, liên quan đến các dự án đấu thầu hoặc đấu giá đất, cần xác định rõ các tiêu chí, trình tự...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh với tinh thần cầu thị lắng nghe các ý kiến qua thực tiễn triển khai pháp luật về đất đai, ban soạn thảo và bên thẩm tra sẽ tìm phương án tối ưu. Vấn đề có thể giải quyết được thì giải quyết, vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thì phải có thời gian. Cũng theo ông, người dân rất tâm tư về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên luật cần quy định cụ thể hơn để gỡ vướng.
Ông Nguyễn Đức Hải đề nghị TP HCM tổ chức hội thảo về tài chính đất đai, nguồn thu từ đất, định giá đất, nộp tiền sử dụng đất…
Liên quan tới định giá đất, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cơ quan nào định giá đất thì qua thực tiễn, thành phố đề xuất và Quốc hội sẽ nghiên cứu. "Việc giao cơ quan nào định giá đất thì cũng phải định giá chính xác. Còn nói định giá theo đúng thị trường thì còn nhiều ý kiến khác nhau" - ông Nguyễn Đức Hải nói.
Bất cập kế hoạch sử dụng đất hằng năm
Ông Trần Văn Bảy cho hay thực tiễn có nhiều vấn đề người dân bức xúc và cơ quan quản lý nhà nước lúng túng khi triển khai các vấn đề liên quan đến pháp luật đất đai, trong đó có kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Tại TP HCM, chưa bao giờ kế hoạch sử dụng đất hằng năm được ban hành vào đầu năm vì các bước thực hiện rất mất thời gian. Người dân bức xúc khi quyền sử dụng đất bị "treo" bởi kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong đó có trách nhiệm của chính quyền, của Sở TN-MT.
Từ đó, Phó Giám đốc Sở TN-MT kiến nghị khi đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm thì hết sức cân nhắc kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nhà nước chỉ cần "siết" quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm.
Làm rõ 4 vấn đề lớn
Trong ngày 24-2, tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên.
Các đại biểu đã làm rõ 4 vấn đề lớn. Cụ thể là khái niệm nhà nước là đại diện cho "sở hữu toàn dân"; quy hoạch; giá đất, phương pháp xác định giá đất; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động của các địa phương khu vực miền Trung trong việc hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật. Phó Thủ tướng cho rằng thời gian đóng góp còn lại không nhiều, các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Phó Thủ tướng giao cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp thực tiễn và được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo luật.
Bình luận (0)