Có vườn cây ăn trái hỗn hợp nên khi thấy con rạch trước nhà đang được nạo vét khơi thông, bà Nguyễn Thị Sáu (phường Thới An, quận 12, TP HCM) liền đến gặp nhà thầu xin mấy xe bùn về bón lót cho cây nhưng lại nhận được cái lắc đầu từ các công nhân đang thi công.
Vừa tiếc vừa bối rối
Theo bà Sáu, lý do các công nhân đang thi công từ chối là do họ phải đưa về nhà máy xử lý. "Khu vườn của tôi thường sử dụng bùn sau khi nạo vét rạch, mương trong khuôn viên để bón cây nên vườn tược lúc nào cũng xanh tốt. Phải chi họ cho mình luôn thì vừa đỡ chi phí vận chuyển vừa giúp dân có thêm cơ hội chăm bón vườn tược" - bà Sáu nói.
Không chỉ bà Sáu, trên địa bàn quận 12, nhiều hộ dân trồng cây trái, hoa màu thường xuyên tận dụng bùn nạo vét kênh, rạch để bón cây. Không chỉ bón cây, một số hộ còn tận dụng bùn vét ao để san lấp nền, xây nhà. Theo họ, hiện nay việc mua đất thịt để trồng cây rất khó và tốn kém, chưa kể không biết nguồn gốc đất ra sao, lỡ có chứa chất thải nguy hại thì rất độc. Do đó, có thể thể tận dụng bùn đất rõ nguồn gốc sẽ an toàn hơn.
Bùn nạo vét ở các tuyến kênh, rạch vẫn chưa thể dùng để san lấp vì đang chờ quy định cụ thể
Trong khi đó, tại huyện Bình Chánh, một số chủ đất cũng tận dụng bùn nạo vét kênh sau xử lý để san lấp nền, tuy nhiên khi san lấp lại bị UBND huyện "tuýt còi" vì chưa rõ bùn nạo vét có được dùng để san lấp hay không. "Thực tế, chúng tôi ký hợp đồng mua lượng bùn sau xử lý của một công ty môi trường để san lấp, bùn này bảo đảm không còn các chất ô nhiễm nguy hại nhưng không hiểu sao vẫn bị yêu cầu tạm ngừng để chờ hướng dẫn của TP" - ông G., chủ một khu đất ở huyện Bình Chánh, bức xúc.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương vùng ven TP HCM, nhiều hộ dân muốn tận dụng bùn thải khi nạo vét kênh, mương để san nền cũng đang gặp khó bởi dễ bị chính quyền ngăn cấm vì chưa có quy định cho phép dùng bùn thải san lấp mặt bằng.
Vẫn đang soạn thảo quy định
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, đơn vị này đang lấy ý kiến đóng góp từ các quận - huyện, sở - ngành liên quan để chuẩn bị trình UBND TP ban hành quy định về xử lý, sử dụng bùn thải trên địa bàn trong thời gian sớm nhất. "Hạn chót ngày 28-2, các đơn vị phải gửi ý kiến đóng góp về sở tổng hợp. Theo đó, quy định xử lý, sử dụng bùn thải sẽ quy định rõ ràng các chỉ tiêu cơ lý, hóa học để tái sử dụng bùn thải sao cho hợp lý. Loại bùn nào được san lấp, loại nào phải đưa đi xử lý tái chế và loại nào sẽ xử lý như chất thải nguy hại sẽ được quy định rõ" - Sở TN-MT TP HCM nhấn mạnh.
Và có lẽ trong thời gian chờ UBND TP ban hành quy định về xử lý, sử dụng bùn thải, một số địa phương, sở - ngành rất thận trọng trong vấn đề này. Như huyện Bình Chánh, khi phát hiện những chủ đất dùng bùn thải để san lấp đã yêu cầu tạm dừng san lấp để chờ hướng dẫn. Đại diện Phòng TN-MT huyện này cho biết với những loại bùn thải có tính chất nguy hại, tồn dư kim loại, hóa chất thì quy trình xử lý khá rõ, buộc chủ nguồn thải phải đưa đến các nhà máy xử lý chất thải nguy hại theo quy định, tuy nhiên riêng bùn nạo vét kênh, rạch… vẫn chưa có hướng dẫn sử dụng ra sao nên chúng tôi phải chờ. Chẳng may người dân san lấp gây ảnh hưởng môi trường, sức khỏe sẽ nguy hiểm.
Nói về việc xử lý bùn thải ở dự án Nạo vét bùn dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 9 km (từ ngã ba sông Sài Gòn đến đường Út Tịch thuộc các quận Bình Thạnh, 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình) đang được khởi công, với khoảng 122.000 m3 bùn được nạo vét, ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy - Sở Giao thông Vận tải TP, cho rằng trước khi thực hiện dự án, các bên liên quan đã nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và sau khi được Sở TN-MT phê duyệt thì mới thực hiện. Theo đó, bùn thải sau khi nạo vét sẽ được chuyển về Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước để xử lý theo đúng quy trình. Hiện phía Trung tâm Quản lý đường thủy đã yêu cầu nhà thầu thi công dùng phế phẩm EM khử mùi, hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Tương tự, với lượng bùn thải từ hệ thống cống thoát nước trên địa bàn TP khoảng 200 - 220 m3/ngày được Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị chuyển đến nhà máy xử lý bùn của Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước nếu là bùn không nguy hại. Riêng bùn nguy hại được chuyển về các nhà máy xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
An toàn là trên hết
Ông Nguyễn Minh Chánh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận 12, thông tin trên địa bàn quận, hiện đang triển khai nạo vét 9/18 tuyến kênh, rạch với tổng chiều dài khoảng 10,7 km, lượng bùn dự kiến khoảng 93.258 m3.
Theo ông Chánh, trước khi nạo vét, đơn vị thi công tiến hành lấy mỗi kênh 3 mẫu (đoạn đầu, giữa và cuối kênh) để phân tích xem có thành phần nguy hại hay không. Qua phân tích, đa số mẫu bùn đều bảo đảm chỉ tiêu cơ lý, hóa học theo quy định. "Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, 5 tấc bùn mặt vẫn được đơn vị thi công mang về nhà máy xử lý bùn tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước để xử lý" - ông Chánh nói.
Bình luận (0)