Trong số 17 dự án đề nghị tạm dừng có 11 dự án nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, 3 dự án thuộc huyện Hóc Môn, 2 dự án thuộc quận Tân Phú, 1 dự án thuộc quận Bình Thạnh. Các dự án có vốn trên 100 tỉ đồng tạm dừng gồm: Nâng cấp, mở rộng đường Đỗ Xuân Hợp; cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh...; còn lại là các dự án nhỏ, phần lớn là trường học.
Dự án dang dở, người dân than thở
Ghi nhận tại một số dự án bị đề nghị tạm dừng cho thấy các dự án triển khai dang dở, ì ạch nhiều năm do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), một số khác chưa thỏa thuận được phương án bồi thường với người dân.
Những ngày này, vào giờ cao điểm, khoảng 4 km đường Nguyễn Duy Trinh, TP Thủ Đức (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Xây Dựng) tiếp tục chịu cảnh kẹt xe, khói bụi. Ông Hoàng Văn Thắng (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông) cho biết năm 2010, gia đình ông bàn giao 10 m đất (chiều sâu) để phục vụ mở rộng con đường. Tuy nhiên, đến nay chỉ được đền bù 2 m, còn lại chưa biết đến khi nào. "Sau nhiều năm, con đường đã xuống cấp, thêm lượng xe đi lại nhiều nên thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, ngập nước. Nếu dự án không triển khai thì nên xóa quy hoạch để người dân xây nhà, chứ để dân đợi đến bao giờ?" - ông Thắng than thở.
Nhiều đoạn của đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức, TP HCM) thi công dang dở. Ảnh: ANH VŨ
Cách đó không xa, đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) đoạn từ cầu Nam Lý đến đường Nguyễn Duy Trinh dài 2,3 km có kế hoạch mở rộng thành 30 m, khởi công từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất phương án đền bù, giải tỏa mặt bằng nên chỉ mở rộng được một số đoạn.
Ghi nhận thực tế cho thấy đoạn đường hai chiều, mặt đường chỉ rộng chừng 10 m nhưng hằng ngày "gánh" một lượng lớn phương tiện qua lại nên giao thông thường xuyên ùn ứ. Chưa kể, dự án cầu Nam Lý thi công dang dở nhiều năm nay kết hợp công trình sửa chữa cầu Cống Đập Rạch Chiếc đang thi công nên mặt đường nhiều đoạn nham nhở, đất đá rơi vãi khắp nơi khiến người dân đi lại hết sức khó khăn. Đường sá nhếch nhác kéo theo việc kinh doanh, buôn bán của người dân ế ẩm. Bà Thu (ngụ phường Phước Long A, TP Thủ Đức) tranh thủ kê vài bộ bàn ghế để bán nước giải khát nhưng vắng khách vì chẳng mấy ai ghé vào do đoạn đường đầy bụi, đọng nước.
Dự án cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới nằm trong nhóm dự án bị đề nghị tạm dừng thực hiện cũng ngổn ngang không kém. Tại 2 gói thầu của dự án đã hoàn thành gồm cầu số 3 và đường chui với hy vọng sẽ giúp tách dòng xe đi thẳng Quốc lộ 1 với hướng ra vào Bến xe Miền Đông mới, bảo đảm an toàn giao thông và giảm ùn tắc ở khu vực nhưng đến nay chưa thể thông xe do chưa xong hạng mục hệ thống chiếu sáng. Các hạng mục còn lại gồm cầu số 4 và đường chui nhánh trái cùng cầu vượt bộ hành chưa thể triển khai do chưa có mặt bằng để thi công.
Tạm dừng để... "liệu cơm gắp mắm"
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM là chủ đầu tư một số dự án có vốn trên 100 tỉ đồng nằm trong 17 dự án bị đề xuất tạm dừng. Ông Lương Minh Phúc, giám đốc ban này, cho biết trong bối cảnh ngân sách TP HCM có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư các dự án rất lớn nên các sở, ngành rà soát, đánh giá đề xuất tạm dừng những dự án bị kéo dài do vướng bồi thường GPMB hoặc do điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án...
"Đây chỉ là tạm dừng, không bỏ dự án mà chuyển nguồn vốn sang thực hiện những dự án cấp bách hơn, khả thi hơn, quan trọng hơn và có thể thực hiện ngay như Vành đai 2, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, cải tạo rạch Xuyên Tâm... mà TP HCM đang dồn sức thực hiện cho giai đoạn 2021-2025. TP HCM cũng đang đề xuất trung ương bổ sung cho thành phố nguồn vốn trung hạn 119.000 tỉ đồng, nếu sang năm 2023 nguồn vốn này được bổ sung thì sẽ tiếp tục triển khai những dự án đề xuất tạm dừng" - ông Phúc cho hay.
Về nguyên nhân cụ thể khiến một số dự án bị đề xuất tạm dừng, ông Lương Minh Phúc thông tin dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới hiện các hạng mục phía TP HCM đã hoàn tất và sẽ cho khai thác như cầu số 3 và đường chui nhánh phải. Riêng cầu số 4 và đường chui nhánh trái, cầu vượt bộ hành thuộc địa phận TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương chưa thể triển khai do chờ mặt bằng. Lý do là giá bồi thường GPMB giữa tỉnh Bình Dương và TP HCM có nhiều chênh lệch nên 2 địa phương phải làm việc với nhau để thống nhất đơn giá bồi thường phù hợp nhất và dự kiến qua năm 2023 mới xong.
Tương tự, đường Đỗ Xuân Hợp đã làm được 2/3 tuyến đường, riêng đoạn cuối nối ra đường Nguyễn Duy Trinh hiện phải chờ rà soát lại ranh dự án để điều chỉnh ranh và điều chỉnh quy hoạch, mất một khoảng thời gian. Tuy nhiên, việc này không cần nguồn vốn, chủ đầu tư vẫn thực hiện để sang năm nếu thành phố được bố trí thêm nguồn vốn từ trung ương sẽ triển khai lại dự án. Riêng đường Nguyễn Duy Trinh, 1 đoạn do Ban Quản lý dự án khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư, 1 đoạn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM thực hiện nhưng khối lượng đền bù GPMB rất lớn, cần nhiều thời gian nên đề xuất tạm dừng, ưu tiên cho dự án quan trọng hơn.
Theo ông Lương Minh Phúc, bài toán khó của TP HCM là có nhiều việc lớn phải làm trong khi nguồn vốn hạn hẹp, phải "liệu cơm gắp mắm", nhiều dự án dù được đề xuất đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 nhưng phải ưu tiên cho những dự án lớn quan trọng hơn, tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Rút kinh nghiệm, tránh lặp lại
TS Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, cho rằng việc UBND TP HCM đề nghị HĐND thành phố xem xét dừng 17 dự án được ghi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm phân bổ lại nguồn vốn cho các dự án khả thi khác là động thái nên làm. Qua đó, nhắc nhở các chủ đầu tư cần quyết liệt, sử dụng vốn ngân sách hiệu quả nhất có thể.
"Theo tôi, chính quyền không chỉ dừng dự án mà nên mổ xẻ, phân tích nguyên nhân gây nên việc chậm trễ trong triển khai dự án, vướng ở trung ương hay TP HCM. Nếu đã xác định nguyên nhân thì cần đánh giá rút kinh nghiệm, tránh lặp lại tình trạng này ở các dự án sau" - TS Dương Như Hùng đề xuất.
Bình luận (0)