Chiều dài toàn tuyến hơn 19,2 km, vốn đầu tư của dự án hơn 3.837 tỉ đồng (từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương và địa phương cân đối), thời gian thực hiện từ năm 2021-2026. Dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C nên có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. Trong tổng mức đầu tư thì chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 825,9 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 2.684 tỉ đồng…
TP Cần Thơ đang gấp rút bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai phía Tây
Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, về giải phóng mặt bằng (GPMB), tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 1.380 hộ, nhu cầu tái định cư là 541 nền nhưng nay chỉ mới thực hiện 30%. "Dự án còn 3/7 gói thầu chưa triển khai, Bộ Xây dựng yêu cầu điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư đang bị vượt do 2 nguyên nhân chính: kinh phí GPMB và do trượt giá. Trên cơ sở khó khăn đó, Sở GTVT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xem xét bố trí thêm 125 tỉ đồng trong năm 2023 để GPMB đạt khoảng 40%-50%" - ông Lê Tiến Dũng nói.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư và có giá càng sớm càng tốt để di chuyển các hộ dân vào đây; Sở KH-ĐT điều chỉnh tổng mức đầu tư, bổ sung thêm kinh phí GPMB và kinh phí trượt giá để triển khai tiếp tục các gói thầu còn lại.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, đầu tuần này đã chỉ đạo Sở KH-ĐT tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố bố trí bổ sung vốn năm 2023 khoảng 100 tỉ đồng cho Sở GTVT thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bên cạnh đó, liên hệ Bộ KH-ĐT sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương nhằm giải quyết khó khăn trên.
Bình luận (0)