Ngày 19-12, tại TP Cần Thơ, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam tổ chức toạ đàm "Quản lý cát bền vững ở ĐBSCL và giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông".
Ông Hà Huy Anh, Quản lý dự án Cát bền vững (IKI SMP) cho biết qua khảo sát, đo đạc từ dự án IKI SMP trong mùa khô 2022 thì cách cầu Mỹ Thuận 1,2 km về phía thượng nguồn đang có một hố sâu 50 m.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo chia sẻ tại buổi toạ đàm
"Khi khảo sát ở các điểm trên sông Tiền và sông Hậu, chúng tôi không tìm thấy đụn cát ở đáy đạt tiêu chuẩn để nghiên cứu tại khu vực Mỹ Thuận. Tại đây chỉ có sóng cát ngắn và thấp. Đồng thời qua phân tích trầm tích bề mặt đáy sông khi lấy 34 mẫu tại Mỹ Thuận thì có 8 mẫu hoàn toàn không có cát"- ông Hà Huy Anh thông tin.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, cát hiện nay về ĐBSCL còn chút ít là do nó "khởi hành" rất lâu trong quá khứ từ thượng nguồn về. Nhưng hiện nay, hàng chục đập ở thượng nguồn chắn ngang dòng sông thì tương lai cát sẽ không về ĐBSCL.
Tương lai cát sẽ không về ĐBSCL
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vụ sạt lở ở cù lao Minh ở huyện Long Hồ, Vĩnh Long vào chiều 5-12 với chiều dài 350 m, rộng 160 m nhưng không hề có cảnh báo trước. Điều này chứng tỏ đáy sông đã rỗng từ lâu. Cù lao Minh đối diện với TP Vĩnh Long, đi ngược cầu Mỹ Thuận không xa lắm.
"Khi làm các cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, người ta đổ thêm cát ở khu vực đó. Câu hỏi đặt ra, bây giờ phía trên và dưới cầu Mỹ Thuận có hố sâu. Như vậy, chân cầu Mỹ Thuận có được "tha" hay không, cát có nằm yên ở chân cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ hay không? Các cơ quan chức năng cần chú ý đến những cây cầu này, nên đo lượng cát đổ thêm trước khi xây cầu còn đó không hay"- Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cảnh báo.
Bình luận (0)