5 nút giao thông được cải tạo, mở rộng nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều gồm: đường Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Ðạo; Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2; Nguyễn Văn Linh - 30 Tháng 4.
Trong đó, có 2 dự án thành phần: Cải tạo, mở rộng mặt bằng 5 nút giao do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư và xây dựng cầu vượt tại 2 nút giao đường Mậu Thân - 3 Tháng 2 - Trần Hưng Ðạo; Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2 do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất chủ trương đầu tư. Tuy nhiên hơn 1 năm qua, UBND quận Ninh Kiều chỉ thực hiện được các thủ tục có liên quan như: tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, tổ chức khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi…
Tại một cuộc họp mới đây do Thành ủy Cần Thơ tổ chức, ông Nguyễn Xuân Hải - Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ - cho rằng dự án đến giờ vẫn còn loay hoay họp chọn phương án. Tại 5 nút giao thông nói trên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là vào buổi chiều khi phụ huynh đón con em tan học.
Thời điểm thành phố bị ngập do mưa và triều cường thì tình trạng kẹt xe tại các nút giao và các tuyến đường trên còn nghiêm trọng hơn. Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, sở dĩ tổng mức đầu tư để cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông khá lớn do dự án sẽ đền bù đất ở và tài sản gắn liền với đất là hơn 28.900 m2, tổng chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư là hơn 985 tỉ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác.
Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, hiện việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã xong và đang trình Sở Xây dựng thẩm định để trình UBND TP phê duyệt. Ông Trứ giãi bày: "Trong quá trình thẩm định có vướng mắc, khi lập dự án và đo đạc, kiểm đếm thì phát sinh 2 vấn đề.
Đó là diện tích đất thu hồi nhiều hơn so với báo cáo trước đây của Sở GTVT khi lập chủ trương đầu tư và giá thu hồi tùy theo vị trí cũng có chênh lệch, tăng nhiều hơn. Vừa tăng diện tích vừa tăng giá bồi thường nên khi cộng lại thì mức đầu tư có tăng hơn so với chủ trương đầu tư 1.196 tỉ đồng". Theo ông Trứ, quận Ninh Kiều đã lập ra 2 phương án.
Một là lập dự án nằm trong tổng mức chủ trương đầu tư dưới 1.200 tỉ đồng nhưng phải thu hẹp một số nút giao và một số tuyến nhánh có lưu lượng giao thông ít để bảo đảm tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp về mặt kỹ thuật. Phương án 2 là thực hiện đúng theo kỹ thuật, tiêu chuẩn thì phải thu hồi thêm diện tích đất và vượt tổng mức đầu tư. "Hướng của quận là chọn một số nút giao trọng tâm làm trước và nằm trong tổng mức đầu tư để triển khai, nếu TP thống nhất thì sẽ thực hiện sớm" - Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều nói.
Bình luận (0)