Ngày 8-12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khóa X tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi về tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm 2022. Trong 2 giờ làm việc, gần 15 đại biểu (ĐB) chất vấn Chủ tịch UBND TP HCM về các vấn đề liên quan tiến độ giải ngân đầu tư công, dự án phát triển nhà ở…
Đẩy mạnh giải ngân vốn, xây nhà ở
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Trần Quang Thắng đặt ngay câu hỏi giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đạt được tỉ lệ 95% như kế hoạch đề ra. Còn ĐB Tăng Hữu Phong đề nghị Chủ tịch UBND thành phố thông tin rõ những giải pháp thành phố đã, đang và sẽ làm để triển khai chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 của thành phố cho đồng bào, cử tri rõ và yên tâm. "Liệu TP HCM có đạt được mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà, trong đó có 100.000 căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" - ĐB Tăng Hữu Phong chất vấn.
Trả lời vấn đề đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thông tin TP HCM là địa phương tự cân đối nguồn lực. Trung ương giao cho thành phố 55.000 tỉ đồng, thành phố rà soát chỉ cân đối được 45.000 tỉ đồng, còn thiếu 10.000 tỉ đồng. Thành phố rà lại đấu giá nhà đất, vay nợ chính quyền địa phương, tận dụng Nghị quyết 54 để tăng nguồn thu. Chủ tịch UBND thành phố nêu ra 4 nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp. Đó là nhiều dự án chuyển tiếp nên việc chuẩn bị hồ sơ mất nhiều thời gian; giải phóng mặt bằng chậm; sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan trong giải quyết vướng mắc; trách nhiệm của chủ đầu tư. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, TP HCM đã thành lập 3 tổ công tác. Chủ tịch UBND thành phố cho biết trên cơ sở tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế của năm 2022, đầu năm 2023 thành phố có kế hoạch tiến độ cụ thể, xác định trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi (giữa) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khóa X ngày 8-12. Ảnh: TẤN THẠNH
Về chương trình nhà ở, ông Phan Văn Mãi cho hay hiện Sở Xây dựng đang tham mưu tập trung triển khai 18 dự án, rà soát hoàn thiện đề án thay thế nhà trên và ven kênh rạch với số lượng 20.000 căn và phát triển nhà lưu trú công nhân, trong đó có nhà cho thuê, nhà ở xã hội… "Lãnh đạo TP HCM sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu và các giải pháp đã đề ra trong chương trình phát triển nhà ở đã được HĐND thành phố thông qua" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Khơi thông các nguồn lực
Tiếp tục chất vấn Chủ tịch UBND thành phố, ĐB Trần Hoàng Danh cho biết cử tri băn khoăn, trăn trở về những nhận định, vị thế vai trò đầu tàu của thành phố có mai một đi nhiều so với trước đây. Theo ông Danh, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách nhưng đến nay vẫn chưa tạo được sự đột phá. "Vậy, Chủ tịch UBND thành phố tâm đắc với những chủ trương, quyết sách gì để tạo cảm hứng cho cử tri, cán bộ thành phố cùng chung tay góp sức vào sự phát triển của thành phố thời gian tới?" - ĐB Trần Hoàng Danh hỏi.
Trả lời, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: "ĐB Trần Hoàng Danh hỏi tôi tâm đắc điều gì, tôi nghĩ làm sao khi có chủ trương phải chuyển hóa thành đề án, kế hoạch để thực sự khơi thông được các nguồn lực". Ông Phan Văn Mãi cho biết Bộ Chính trị làm việc với TP HCM cũng băn khoăn, khi cho các cơ chế như vậy thành phố có "tải" nổi hay không? Cũng có ý kiến nói rằng thành phố là nơi có truyền thống năng động, sáng tạo nhưng gần đây hình như co lại, giảm sút đi. Theo Chủ tịch UBND TP HCM, điều này cần phải gỡ; từng sở, ngành, cán bộ, đảng viên phải chuyển tâm thế, cùng xốc lại với nhau. "Hai điều tôi tâm huyết là nguồn lực và cán bộ" - ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Trước khi trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố đã thông tin tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh "điểm sáng" bao trùm của năm 2022 là kết quả phục hồi kinh tế đạt hơn dự kiến, kết quả tăng trưởng, thu ngân sách, hoạt động kinh tế phục hồi sống động. Tuy nhiên, có một "điểm xám" là chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Từ đầu quý IV, tình hình tín dụng - lãi suất nhiều biến động; thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; tâm lý e dè, ngại trách nhiệm của cơ quan hành chính và công chức, viên chức tái xuất hiện, làm đình trệ công việc.
Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh bài học là càng khó khăn thì thành phố càng phải năng động, sáng tạo để vượt qua. Để đạt mục tiêu năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức phải nắm chắc công việc, bảo đảm thông suốt hiệu quả hơn. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn...
Người dân bị ảnh hưởng dự án phải có cuộc sống tốt
Thông tin về dự án đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết phải làm sao để đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án có cuộc sống tốt hơn. Cụ thể, giá bồi thường phải tính làm sao để cao nhất, tiệm cận giá thị trường; chỗ tái định cư bảo đảm cơ sở vật chất. Đối với những hộ chưa đủ điều kiện tái định cư thì xem xét để có chính sách như thuê nhà hoặc mua nhà với giá phù hợp. Bên cạnh đó là hỗ trợ đào tạo nghề, sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng.
Tập trung giải quyết những điểm nghẽn
Tiếp tục kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, ngày 8-12, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Cụ thể, Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 gồm 22 chỉ tiêu, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 7%; GRDP bình quân đầu người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%... HĐND TP Hà Nội cũng thông qua nghị quyết về danh mục 2.734 dự án thu hồi đất năm 2023 với diện tích 9.291,84 ha và 1.445 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2023, với diện tích 2.430,19 ha.
Ở kỳ họp thứ 9 HĐND TP Cần Thơ khóa X, cử tri kiến nghị ngành chức năng thành phố phân cấp tăng thẩm quyền hoặc chỉ đạo chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các điểm kinh doanh vật tư nông nghiệp. Theo UBND TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương triển khai 10 đoàn thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực nông nghiệp và đã ban hành 134 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 816 triệu đồng. Tại kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, đề nghị HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng UBND tỉnh tập trung giải quyết những điểm nghẽn trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp, tránh đùn đẩy của bộ máy nhà nước cấp địa phương.
Cùng ngày, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII tổ chức kỳ họp thứ 8 để thông qua một số nghị quyết quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, nghị quyết phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2023 với 1.000 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Theo UBND tỉnh, sau khi phát hành nguồn tiền từ trái phiếu sẽ được sử dụng để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm tạo nền tảng thu hút nhà đầu tư. Qua đó, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị Quyết 09 của Bộ Chính trị phấn đấu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết nền kinh tế của tỉnh đang dần hồi phục sau dịch nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm khắc phục. Năm 2022, tỉnh có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Chiều 8-12, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Quảng Nam diễn ra phiên chất vấn lãnh đạo một số sở, ngành. Cùng ngày, kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bình Phước; kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Tiền Giang cũng đã diễn ra.
Nhóm phóng viên
Bình luận (0)