Hầu hết các quận - huyện cho rằng 2 quyết định của UBND TP HCM gồm Quyết định (QĐ) 38/2018 (quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước) và QĐ 12/2019 (về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP) mâu thuẫn nhau về thẩm quyền xây dựng mức giá nên chần chừ chờ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.
Địa phương lúng túng và sợ quá tải
Dù chủ động chuẩn bị nhiều khâu để xây dựng giá thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn nhưng đến nay, quận 12 vẫn chưa ban hành mức cụ thể bởi chưa rõ thẩm quyền ban hành do UBND TP hay địa phương thực hiện. Đại diện quận này lý giải QĐ 38/2018 giao địa phương căn cứ mức giá tối đa của TP để xây dựng mức giá chi tiết, còn QĐ 12/2019 lại cho rằng phương thức quản lý giá dịch vụ thu do UBND TP ban hành. Như vậy, 2 quyết định còn chênh nhau, dù địa phương chuẩn bị nhưng chưa có ý kiến thống nhất thì còn băn khoăn khi thực hiện.
Ngoài ra, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, phân tích mức giá tối đa TP đưa ra dựa trên mức lương cũ, nay không phù hợp với tình hình thực tế, khi áp mức giá này thì lực lượng thu gom gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn yêu cầu họ phải chuyển đổi phương tiện. Chưa kể nhân sự các phường hiện rất "căng" do phải cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ, trong khi triển khai QĐ 38 thì UBND phường sẽ phải đại diện hộ dân ký hợp đồng với đơn vị thu gom đứng ra thu - chi hằng tháng. Như vậy, trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa hộ dân và đơn vị thu gom, nếu giao phường xử lý thì phường sẽ quá tải.
Đa số các quận - huyện đang chờ hướng dẫn việc ban hành giá thu gom rác thải sinh hoạt Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Về sự lo lắng xảy ra xáo trộn trong lực lượng thu gom giữa các địa phương, đại diện Phòng TN-MT quận 4 nhận định nếu giao cho địa phương tự xây dựng giá chi tiết thì mỗi địa phương sẽ có một mức khác nhau, chắc chắn sẽ gây xáo trộn trong lực lượng thu gom do người dân chạy theo giá thu thấp. Ví dụ, quận 4 ban hành mức thu 35.000 đồng/hộ trong khi quận 1 chỉ 20.000 đồng/hộ thì chắc chắn người dân sẽ tìm dịch vụ thu gom có giá thấp hơn. Cùng lo lắng, đại diện Phòng TN-MT quận Tân Bình cho rằng các địa phương nên áp cùng mức giá tối đa của TP ban hành, tránh tình trạng xáo trộn trong lực lượng thu gom.
Vừa làm vừa gỡ
Ngoài những nguyên nhân trên, theo các địa phương, vẫn còn một số khó khăn khác khi xây dựng mức giá chi tiết khiến nhiều địa phương "chựng" lại như tính toán cự ly thu gom của từng lộ trình (dựa trên tổng số km của một lộ trình của một đơn vị thu gom), chưa có kinh nghiệm nên phải thuê đơn vị tư vấn bên ngoài tính toán cho chính xác vì nếu không khéo, các công ty thu gom lại khiếu nại.
Trước những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, nhìn nhận việc chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ đúng thời điểm phân cấp cho quận - huyện, trong khi quận - huyện chưa có bộ máy thực hiện thì đương nhiên sẽ gặp nhiều trở ngại.
Tuy nhiên, phó giám đốc Sở TN-MT TP khẳng định khó khăn thì phải tìm cách tháo gỡ, vừa làm vừa đề xuất giải pháp. Với mức giá tối đa trong QĐ 38, TP vẫn phải bù đắp một phần ngân sách đã chi trả cho chi phí vận chuyển, xử lý rác, giá này sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ mỗi năm và tiến đến phải được tính đúng tính đủ theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, xóa bỏ bao cấp của nhà nước. Do đó, các địa phương phải cùng chung tay thực hiện, đứng ra thu - chi, quản lý lại việc thu gom rác vốn khá lộn xộn.
Riêng thẩm quyền ban hành mức giá, theo bà Mỹ, Sở TN-MT sẽ làm việc lại với Sở Tư pháp, đại diện các quận - huyện cùng rà soát để trình TP thống nhất quan điểm.
Về việc chuyển đổi phương tiện đối với dịch vụ thu gom hiện nay, Sở TN-MT TP khẳng định dù có nhiều lý do khiến chủ phương tiện chưa mặn mà chuyển đổi như ngại chi phí thuê tài xế, phí đăng kiểm, tiền xăng… nhưng vẫn phải thực hiện nhằm giảm ô nhiễm môi trường theo yêu cầu của TP.
Thời hạn buộc chuyển đổi có thể sở này sẽ kiến nghị TP gia hạn để lực lượng thu gom có thêm thời gian thực hiện.
Khó cân đối thu - chi
Ông Lê Dư Hoàng, Phó Giám đốc HTX Thống Nhất (quận Bình Thạnh), cho biết HTX có hơn 200 thành viên, đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay số thành viên chuyển đổi phương tiện. Lý do là lo ngại không biết cân đối thu - chi sẽ thế nào vì chưa biết mức giá dịch vụ mới là bao nhiêu.
"Quyết định 38 có hiệu lực từ ngày 1-11-2018 nhưng đến nay, vẫn chưa thấy địa phương ban hành mức giá chi tiết đến các HTX, nhiều thành viên trông chờ mức giá tăng để bù đắp chi phí cho phương tiện chuyển đổi như phí xăng dầu, phí đăng kiểm..." - ông Hoàng nói.
Bình luận (0)