Chiều 3-2, bà Cao Thị Hòa An, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên, xác nhận cơ quan này vừa có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Đỗ Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân. Theo đó, cơ quan này có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Tân.
Từ việc tác động của Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, các GCNQSDĐ được cấp trái phép, 25 ha rừng phòng hộ bị đốn hạ Ảnh: PHẠM NGỌC
Theo kết luận kiểm tra, ông Tân đã thiếu gương mẫu, chấp hành không nghiêm các quy định của Đảng và nhà nước về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp, tác động đến lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, ký xác nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), từ đó UBND huyện Đồng Xuân cấp 3 GCNQSDĐ trái quy định. Ngoài ra, kết luận cũng nói rõ ông Tân đã liên hệ đối tượng trong vụ án không đúng quy định.
Trước đó, ngày 17-8, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt mức án từ 7-8 năm tù đối với 4 bị cáo phạm tội "hủy hoại rừng": Huỳnh Anh Khương (37 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Xuân), Phạm Xuân Trình (41 tuổi), La O Kính (39 tuổi), La Lan Thập (32 tuổi). Theo HĐXX, từ tháng 3 đến 5-2016, 4 đối tượng trên đã tổ chức chặt phá 110 ha đất rừng ở rừng Bình Ấm (trong đó có 25 ha rừng phòng hộ, thuộc xã Phú Mỡ).
Để hợp thức hóa việc phá rừng lấy đất sản xuất, tháng 5-2015, ông Trình làm các hồ sơ đứng tên 3 người dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ để đăng ký GCNQSDĐ 3 khu đất tại Tiểu khu 90 rừng Bình Ấm. Với sự tác động của ông Tân, 3 hồ sơ trên đã được Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Phú Mỡ xác nhận.
Tiếp đó, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Xuân không kiểm tra hiện trạng vẫn tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xác nhận rồi trình UBND huyện cấp 3 GCNQSDĐ trái quy định.
Hai huyện ủy viên khai khống bằng cấp
UBKT Tỉnh ủy Phú Yên cũng vừa có kết luận kiểm tra và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Văn Thông, Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy Tây Hòa và ông Nguyễn Ngọc Tân, Huyện ủy viên, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Tây Hòa. Kết luận khẳng định ông Thông không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng đã kê khai trình độ văn hóa phổ thông 12/12 trong hồ sơ để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thi nâng ngạch công chức, ứng cử vào cấp ủy. Còn ông Nguyễn Ngọc Tân cũng không có bằng tốt nghiệp THPT nhưng sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc trung học (phó bản) cấp cho người khác, tẩy xóa, sửa chữa thành bằng của mình, hợp thức hóa hồ sơ để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử vào cấp ủy các cấp của huyện Tây Hòa.
Bình luận (0)