Ngày 14-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, với với 454/474 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 91,16% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động.
Về vị trí, chức năng, luật nêu rõ cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định tại luật vừa được thông qua, cảnh sát cơ động có nhiệm vụ tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động - Ảnh: Quochoi.vn
Lực lượng cảnh sát cơ động còn có nhiệm vụ sử dụng biện pháp vũ trang và các biện pháp công tác khác để thực hiện một số nhiệm vụ như: Tấn công, ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi bắt cóc con tin, sử dụng bạo lực xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức; Giải tán các vụ tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự; Tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.
Ngoài ra, cảnh sát cơ động sẽ phối hợp, hỗ trợ các lực lượng trong Công an nhân dân và cơ quan, đơn vị, tổ chức, các lực lượng khác trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.
Một trong những quyền hạn của cảnh sát cơ động được quy định trong luật là được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên máy bay dân sự để làm nhiệm vụ thuộc một trong các trường, như: Chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; Bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng máy bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho Cảnh sát cơ động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Cảnh sát cơ động cũng có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, khi thực hiện nhiệm vụ, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện, thiết bị đó.
"Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt"- Điều 16 của Luật quy định.
Theo quy định, cảnh sát cơ động được kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phát hiện người phạm tội quả tang, người bị truy nã, bị truy tìm; có căn cứ cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, nếu không kiểm tra, kiểm soát ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy.
Bình luận (0)