Nhiều ngày qua, dù trong điều kiện đối mặt nhiều khó khăn như vừa phải thi công vừa phòng chống dịch Covid-19, tháo gỡ những vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng, xoay xở đáp ứng đầu vào về nguyên vật liệu... nhưng hầu hết các nhà thầu đang thực hiện tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đều đã nỗ lực bố trí, tổ chức thi công liên tục.
Trước đó, công việc thi công công trình bị chững lại do dịch Covid-19 nhưng từ giữa tháng 11 đến nay, thời tiết thuận lợi và dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các mũi thi công lại tiếp tục với tốc độ cao. Máy móc, nhân lực được triển khai tăng tốc trên tất cả các gói thầu, các công trường. Trên các công trường của toàn tuyến từ khu vực tỉnh Đồng Nai đến Bình Thuận, tiến độ thi công được đánh giá là liền mạch, công nhân làm việc miệt mài; các hạng mục đúc dầm bê-tông, hệ thống thoát nước, lên lớp cấp phối đá dăm... vẫn đang hối hả và tuyến cao tốc hiện đã dần lộ diện.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thành hình
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, dài gần 100 km, được thiết kế 6 làn xe, tốc độ tối đa 120 km/giờ, khởi công vào tháng 9-2020, tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỉ đồng. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51,3 km, để thực hiện dự án, UBND tỉnh Đồng Nai phải thu hồi hơn 431 ha đất của 1.239 hộ dân và 8 tổ chức. Hiện tất cả 4 gói thầu - gói số 1 và 2 thuộc tỉnh Bình Thuận; gói số 3 và 4 thuộc tỉnh Đồng Nai - hoàn thành khoảng 25% khối lượng. Trên toàn tuyến có tổng cộng 65 cầu và hàng chục cống hộp, hầm chui.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra, động viên công nhân, kỹ sư tại công trường. Để bảo đảm tiến độ dự án, Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư dự án - đang cùng các nhà thầu lên kế hoạch thi công trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, để đầu năm 2023 công trình đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được đưa vào vận hành.
Bình luận (0)