Quốc lộ (QL) 1A sau bao lần cải tạo và nâng cấp, đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển con người và hàng hóa kết nối ba miền. Nhưng đứng trước sự phát triển ngày càng cao của đất nước, một tuyến cao tốc thật sự nối liền hai đầu Tổ quốc là cấp thiết.
Từ năm 2010, quy hoạch chi tiết cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nối liền Hà Nội đến Cần Thơ đã được Chính phủ phê duyệt, với tổng chiều dài hơn 1.800 km. Giai đoạn đầu gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km.
Ngày 30-9-2020 sẽ được đánh dấu như một mốc quan trọng, khi Bộ Giao thông Vận tải đồng loạt khởi công 3 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, gồm: Mai Sơn - QL45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây với tổng chiều dài 263 km, số vốn lên đến hơn 37.000 tỉ đồng. Cùng với các dự án thành phần còn lại, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã không còn là con đường trên giấy mà đang ngày trở nên hiện thực.
Chúng ta hiện nay chưa thể có đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chưa thể đưa vận tải hàng không trở nên phổ biến, thì đường bộ cao tốc Bắc - Nam phần nào có thể khắc phục được vấn đề rút ngắn thời gian hành trình lưu thông giữa các vùng miền, tạo đà phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch cho các địa phương trên tuyến đường này đi qua. Nhất là 3 dự án thành phần này đều nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ, khu vực mà lâu nay kinh tế, du lịch vẫn còn phần nào bị hạn chế mặc dù tiềm năng sẵn có to lớn.
Ví dụ như Phan Thiết, một thành phố biển nổi tiếng với địa danh Mũi Né, hằng năm mặc dù vẫn thu hút được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước nhưng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, nếu so với một thành phố biển khác là Vũng Tàu, bởi hạn chế về mặt giao thông khi so sánh thời gian di chuyển giữa tuyến QL1A từ TP HCM đi Phan Thiết và đường cao tốc TP HCM - Long Thành với QL51 đi Vũng Tàu, mặc dù khoảng cách chênh lệch nhau không lớn lắm.
Kinh tế khu công nghiệp hiện nay hầu như vẫn chỉ đang tập trung ở các thành phố mang tính vệ tinh xung quanh Hà Nội và TP HCM, tất cả cũng đều xuất phát từ vấn đề lưu thông nguyên vật liệu, hàng hóa. Các tỉnh miền Trung nằm dọc theo đường cao tốc Bắc - Nam, mặc dù chiếm ưu thế về con người, đất đai nhưng lại hạn chế về mặt giao thông. Cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển cả về kinh tế lẫn du lịch.
Trong tương lai không xa, chúng ta có thể sẽ có các tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các sân bay có thể sẽ được mở thêm, vận tải đường biển có thể sẽ có bước đột phá... nhưng đường bộ vẫn là hệ thống giao thông chính. Hy vọng với tuyến cao tốc Bắc - Nam này, không bao lâu nữa sẽ dần hình thành mạng lưới cao tốc xung quanh để trở thành một hệ thống giao thông hiện đại và hoàn chỉnh trên cả nước, kéo các tỉnh, thành gần lại với nhau, để cùng nhau phát triển.
Bình luận (0)