Những ngày qua, trên công trường của các gói thầu dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), công nhân hối hả thi công trở lại. Dự án có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực ĐBSCL và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam này vốn bị đình trệ từ nhiều năm nay.
Thay nhà đầu tư
Khởi công từ năm 2009 nhưng ngay sau đó, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị ngưng trệ do gặp khó khăn về huy động vốn, thay đổi cơ chế, chính sách. Năm 2015, dự án tái khởi động lần 2 nhưng tiến độ chậm chạp, sau 4 năm chỉ đạt 15% tổng khối lượng.
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết vướng mắc lớn nhất tại dự án này là phương án tài chính bị phá vỡ. Cụ thể, trong phương án tài chính, lãi suất giữa vốn vay của hợp đồng dự án và lãi suất vay ngân hàng có sự chênh lệch lớn, dẫn đến không giải ngân được vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, do những thay đổi của Luật Quản lý tài sản công nên nguồn doanh thu thu phí tại trạm TP HCM - Trung Lương để hỗ trợ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được.
Một vấn đề khác khiến dự án bị đình trệ là do năng lực của nhà đầu tư. Một trong 6 thành viên liên danh nhà thầu là Công ty TNHH Yên Khánh, vào cuối năm 2018 do liên quan đến nhiều vụ án hình sự, các ngân hàng tài trợ sau đó không giải ngân, yêu cầu phải thay thế nhà đầu tư này. Trước tình hình trên, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả được mời vào tham gia tháo gỡ các khó khăn tại dự án.
Để giải quyết vướng mắc của dự án, ngày 18-3, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư. Đồng thời, làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng để thẩm định lại phương án tín dụng cho dự án và yêu cầu các nhà đầu tư cam kết hoàn thành thông tuyến trong năm 2020. Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ Giao thông Vận tải sang UBND tỉnh Tiền Giang, đồng thời thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.
Cuối tháng 3-2019, dự án chính thức được chuyển quản lý nhà nước về UBND tỉnh Tiền Giang. Hiện tại, doanh nghiệp thực hiện dự án đang gấp rút hoàn thiện hợp đồng dự án, hợp đồng tín dụng, giải pháp kỹ thuật, đồng thời tập trung thi công với cam kết hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2020.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau thời gian tạm ngưng đang được tái khởi động và nhà đầu tư cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2020
Dốc toàn lực cho dự án
Tại gói thầu XL-06 với lý trình ở Km 51+434 - Km 52+600 và cầu Kênh Năng - cầu Sáu Ầu (kết nối nút giao cuối Thân Cửu Nghĩa của tuyến TP HCM - Trung Lương), nhiều xe cẩu, máy móc được tập kết, huy động tới công trường. Ở nhiều gói thầu khác, việc tổ chức thi công cũng đang khẩn trương thực hiện.
Ông Mai Mạnh Hồng cho biết tính đến cuối tháng 3, toàn bộ công tác liên quan đến xử lý nền yếu đã hoàn thành và từ nay tới tháng 6, sẽ thi công móng, mặt đường. Với việc chuyển quản lý nhà nước về UBND tỉnh Tiền Giang nên trong việc điều chỉnh dự án, theo trình tự sẽ ký lại hợp đồng, sau đó lập phương án tài chính và tiếp tục đàm phán với ngân hàng để lập hợp đồng tín dụng. "Dự kiến đến cuối năm nay mới xong vấn đề tín dụng và dự án được giải ngân. Hiện nhà đầu tư đã giải ngân vốn chủ sở hữu vượt hợp đồng dự án, đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. Chúng tôi đã họp các nhà thầu và cùng động viên họ huy động mọi nguồn lực để thi công đồng loạt trở lại. Mục tiêu hết năm 2019, tổng khối lượng thi công đạt từ 55%-60%" - ông Hồng thông tin.
Cũng theo ông Hồng, từ nay đến cuối năm 2019, khi các nguồn tín dụng được giải ngân, để đạt được tiến độ đề ra, về giá trị xây lắp, nhà thầu sẽ phải huy động khoảng 3.800 tỉ đồng. Chi phí này bao gồm cả việc quy đổi bằng các hình thức khác như hỗ trợ nhau bằng vật liệu, máy móc... Hiện tại, nhà đầu tư cũng đang chờ phía nhà nước thực hiện cam kết hỗ trợ trước cho dự án 500 tỉ đồng trong số 2.158 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020 để giải quyết một số khó khăn trước mắt.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư cho biết hiện đã đạt 96% khối lượng và phía UBND tỉnh Tiền Giang cũng sẵn sàng ứng vốn từ ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng ở những vị trí còn lại, giúp giảm áp lực về tài chính cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn vật liệu ở tất cả gói thầu khi thi công đồng loạt, Công ty CP Trung Lương - Mỹ Thuận đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang khảo sát các tuyến đường bộ, đường thủy và có thể mượn tạm các đường dân sinh để vận chuyển vật liệu tới các công trình.
Ông Đỗ Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, một trong những nhà đầu tư mới của dự án, khẳng định đã đưa ra các giải pháp quyết liệt, dốc toàn lực cho dự án. Ngay sau khi được mời tham gia dự án, công ty đã thành lập văn phòng hiện trường để chỉ đạo triển khai dự án.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Dự án này là một phần của toàn tuyến cao tốc nối từ TP HCM xuống Cà Mau. Toàn tuyến bao gồm: TP HCM - Trung Lương (đã hoạt động), Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau.
Kết nối TP HCM, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng
Thông tin dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thi công trở lại để kịp hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2020 khiến người dân rất vui mừng. Anh Thanh Long (ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) bày tỏ: "10 năm trước, khi dự án bắt đầu triển khai, hàng triệu người dân miền Tây mong chờ bởi tuyến đường này sẽ giúp cả vùng ĐBSCL có một diện mạo mới. Sau nhiều năm chờ đợi, chúng tôi rất vui vì dự án được đồng loạt thi công trở lại với quyết tâm hoàn thành vào năm sau".
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho biết nhiều năm nay, đường về miền Tây vẫn rất xa xôi dù cách TP HCM không bao xa. Vì vậy, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một trong những dự án được các doanh nghiệp vận tải đặc biệt mong chờ. "Hạ tầng giao thông thiếu gây ra nhiều hệ lụy, làm chi phí vận tải, hàng hóa, nhiên liệu... gia tăng. Vì thế, chúng tôi rất mong chờ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nhiều tuyến đường khác được đầu tư" - ông Quản chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, ủy viên MTTQ TP HCM, đánh giá việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự gắn kết giữa TP HCM và các tỉnh ĐBSCL là đặc biệt cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. "Tình trạng người dân từ khu vực miền Tây dồn đến các TP lớn như TP HCM làm việc, sinh sống ngày càng gia tăng, kéo theo sự quá tải của các trục đường chính. Nếu không nhanh chóng đầu tư cho hạ tầng, kinh tế của khu vực rất khó phát triển" - ông Ninh nhìn nhận.
Một khi dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm tải rất lớn cho tuyến đường "xương sống" Quốc lộ 1, đồng thời tạo sự kết nối với các tuyến đường vành đai tại TP HCM đang đầu tư. Về lâu dài, theo ông Ninh, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phát triển và khai thác đúng thế mạnh, từ đó hạn chế việc di dân. Khi phát huy được thế mạnh, việc đầu tư hệ thống hạ tầng cũng có cơ sở để thực hiện phù hợp.
Bình luận (0)