Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa cho biết sở đang tham mưu và kiến nghị UBND TP tổ chức cuộc họp hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với sự tham gia của cả lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Bộ Tài chính... nhằm rà soát, tháo gỡ các khó khăn để thống nhất giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư khép kín đường Vành đai 3.
Vướng về nguồn vốn
Dự án đường Vành đai 3 đi qua Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương, với tổng chiều dài 89,3 km, trong đó làm mới khoảng 73 km. Điểm đầu tuyến từ huyện Bến Lức (tỉnh Long An), chạy dọc theo dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đến Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai); Tân Vạn, Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương); Quốc lộ 22 (TP HCM) và quay lại tại huyện Bến Lức.
Quy mô dự án bao gồm đường cao tốc vành đai, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc 100 km/giờ. Đồng thời, tại dự án còn có đường song hành với quy mô ít nhất 2 làn xe tiêu chuẩn và các phân kỳ đầu tư sẽ tùy theo nhu cầu vận tải, sự phát triển đô thị dọc 2 bên tuyến.
Hiện nay, ngoài đoạn 2 (Mỹ Phước - Tân Vạn) dài 16,3 km qua địa bàn tỉnh Bình Dương đã được đầu tư giai đoạn 1, các đoạn còn lại đều chậm tiến độ. Theo quy hoạch, đoạn 1 (Nhơn Trạch - Tân Vạn, giai đoạn 1) phải hoàn thành trước năm 2017, đoạn 3 (Bình Chuẩn - Quốc lộ 22, giai đoạn 1) hoàn thành trước năm 2019 và đoạn 4 (Quốc lộ 22 - cao tốc TP HCM Trung Lương, hay còn gọi là Quốc lộ 22 - Bến Lức, giai đoạn 1) hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên, những đoạn này hiện vẫn trong quá trình chuẩn bị, tìm nguồn vốn đầu tư.
Đặc biệt, với đoạn 3 dài 10,8 km và đoạn 4 dài 22,21 km, công tác báo cáo nghiên cứu khả thi đã hoàn thành. Các cơ quan thuộc Bộ GTVT cũng đã thẩm định thiết kế cơ sở và báo cáo nghiên cứu khả thi nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với dự án.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện dự án, Sở GTVT TP HCM cho biết hiện đoạn 1 (Nhơn Trạch - Tân Vạn), với 2 dự án thành phần gồm 1A (từ Tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) và 1B (từ cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Đức) đang gấp rút triển khai. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án thành phần được tách thành các tiểu dự án và giao địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi đất.
Hiện chỉ đoạn 2 của dự án đường Vành đai 3 (dài 16,3 km) trùng với một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, cơ bản đang khai thác
Gấp rút giải phóng mặt bằng
Dự án Vành đai 3 được đánh giá mang tính "chiến lược", tạo liên kết vùng và hiện đã thực sự cấp bách. Hiện nay, đoạn qua địa bàn TP HCM, Sở GTVT TP cho biết các công tác chuẩn bị bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đang tập trung triển khai. Trong đó, tại dự án thành phần 1A, đoạn dài 2,45 km qua địa bàn TP HCM, quận 9 đang rà soát, điều chỉnh thủ tục đầu tư công đối với tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Dự án 1A do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và cơ quan đại diện là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long. Nguồn vốn đầu tư dự án từ vốn vay ODA (190,96 triệu USD) và vốn đối ứng (1.149 tỉ đồng). Đến nay, dự án đã được ký kết hiệp định vay vốn và đang hoàn tất các thủ tục để ký hiệp định vay; đồng thời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, đang tuyển chọn tư vấn thiết kế và hỗ trợ đấu thầu.
Trong khi đó, với dự án thành phần 1B (nằm toàn bộ trên địa bàn TP HCM), chiều dài khoảng 8,96 km, gồm 3,8 km tuyến chính và 5,88 km nhánh nối từ đường Vành đai 3 ra nút giao Thủ Đức. Quy mô đầu tư đoạn đường chính với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp, thiết kế cho xe chạy với vận tốc cao nhất là 80 km/giờ. Đoạn này được đầu tư theo hình thức BOT và theo Sở GTVT, hiện đã có kết quả sơ tuyển 2 nhà đầu tư và đang làm các thủ tục lựa chọn. Riêng thủ tục thu hồi đất, Sở GTVT cho biết cũng đang gấp rút gỡ vướng liên quan đến nguồn vốn chi trả bồi thường để bàn giao cho địa phương thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở GTVT TP HCM, vừa qua, cơ quan này đã làm việc với Sở GTVT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An để cùng rà soát tình hình thực hiện đầu tư khép kín đường Vành đai 3.
Cần xem lại cách bồi thường, giải phóng mặt bằng
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng dự án đường Vành đai 3 mang tính chiến lược không chỉ riêng ở TP HCM mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với tuyến Vành đai 2 mà TP HCM đang tập trung đầu tư khép kín, dự án Vành đai 3 với các phân đoạn dần hoàn thành sẽ tạo mạng lưới giao thông đồng bộ, tạo sự liên kết cho cả vùng. Từ đó, kéo giảm một lượng lớn phương tiện phải đi xuyên tâm qua TP HCM, góp phần giảm áp lực giao thông, đặc biệt là các tuyến Quốc lộ 1, 13, 1K... vốn đang dần quá tải.
Ông Võ Kim Cương cũng nhấn mạnh việc giải phóng mặt bằng hiện còn nhiều quy định về đất đai chưa rõ ràng (chưa xác định rõ việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện theo hướng vận động hay cưỡng chế...). Trong khi đó, với những dự án trọng điểm, trên cơ sở đã thực hiện đầy đủ theo các thủ tục, quy định, bảo đảm các điều kiện ổn thỏa về mức giá đền bù, thì những cá nhân cố tình không hợp tác cần thực hiện các biện pháp quyết liệt như cưỡng chế (đã bồi thường).
TS Võ Kim Cương cũng nhìn nhận dự án đường Vành đai 3 có vốn đầu tư rất lớn, nên việc kêu gọi nhà đầu tư và tiến hành xã hội hóa là đặc biệt cần thiết. Trường hợp sử dụng vốn đầu tư công ở một số phân đoạn, tiểu dự án thì phải làm nhanh các thủ tục, đồng thời xác định rõ để ưu tiên sử dụng nguồn vốn cho hạng mục nào, dự án nào...
Bình luận (0)