Thay vì chạy bộ trên bờ kè Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn quận 6, TP HCM), hơn 1 tháng nay, ông Lê Tùng (57 tuổi) lựa chọn giải pháp chạy dưới lòng đường vì bị cây mai dương "tấn công".
Tràn lan từ nội thành đến ngoại thành
"Loài cây này làm tôi bị sốt mấy ngày. Tháng trước, hội tập thể dục chúng tôi đã chặt rồi, vậy mà giờ nó nhảy cây mới, cao hơn 1 m" - ông Tùng nói và tháo chiếc dép để lộ một vết thương nhỏ ở lòng bàn chân.
Ba tháng trước, trong lúc chạy bộ, ông Tùng thấy mấy nhánh cây như thân cỏ, lá như cây me tủa ra đường đi. Sợ vướng, ông bẻ nhánh cho gọn và vô tình đạp phải một cành khô. Gai đâm sâu vào chân khiến ông bị sốt, chân đau nhức; bông mọc trên cây quệt vào tay ngứa đến tróc da. Ông lắc đầu lo ngại: "Cây này cứ chặt xong là mọc cây mới. Bẻ cành ném dưới kênh, nó mọc hẳn dưới kênh. Từ lần bị nó gây hại đến nay, tôi gặp là sợ xanh mặt".
Mai dương là loài sinh vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, không những mọc ven kênh mà còn xâm lấn vào sâu các khu dân cư, đô thị. Ông Lê Thành Trí, Giám đốc Công ty Bất động sản Vạn Thành, cho biết khu đất 3 ha nằm tại phường Phú Hữu, quận 9 được công ty đầu tư làm dự án, hễ chỗ nào chưa kịp xây nhà là cây này mọc lên. Nếu dùng thuốc phun diệt sẽ gây phản ứng từ một số hộ dân trong dự án nhưng thuê công nhân chặt, xới gốc thì chỉ sau 1-2 cơn mưa, cây nhảy cao lên 2 m. Cách dự án không xa là Nông trường Long Bình ở quận 9 từng một thời ít cây xanh nay mai dương mọc dày đặc.
Khu đất dự án tại phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM vừa mới làm đường đã có cây mai dương phủ kín
Theo Viện Sinh thái học Miền Nam, cây mai dương còn có một số tên gọi khác như: ngưu ma vương, trinh nữ nhọn, mắc cỡ Mỹ...; tên khoa học là mimosa pigra, thuộc họ mimosaceae, có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, bắt đầu xâm lấn vào Việt Nam những năm 1980. Mai dương thuộc loài cây bụi, đa niên, thường mọc nơi đất trống, ẩm ướt... Cây có thể cao đến 6 m, phân thành nhiều nhánh, thân và cành có nhiều gai nhọn. Hạt mai dương phát tán theo gió hay trôi theo dòng nước, có thể giữ sức nảy mầm trên 20 năm. Mai dương phát triển mạnh tạo thành thảm cây bụi cao khiến các loài cây khác không phát triển được. Muốn diệt chúng không đơn giản vì tốc độ sinh trưởng cực nhanh. Tại TP HCM, mai dương không những mọc ở vùng ven, đất trống mà còn len lỏi vào các kênh, rạch và chung cư bỏ hoang tại các quận 1, 3, 5, 6…
Mới đây, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ có văn bản báo cáo về tình trạng cây mai dương sinh trưởng và phát triển ngày càng nhiều. Ban đầu, cây chỉ mọc ven đường Rừng Sác. Gần đây, cây đã mọc len vào bên trong và xâm lấn đến lõi rừng ngập mặn. Mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần thực hiện các đợt ngăn chặn, tiêu diệt nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng bùng phát của giống cây ngoại lai này. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, loài cây này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái của rừng ngập mặn Cần Giờ.
Tiêu diệt hệ thực vật, đe dọa sức khỏe
TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, cho biết cây mai dương xâm nhập nước ta và đã gây tác động khủng khiếp đến hàng loạt khu bảo tồn thiên nhiên. Điển hình, có thời gian Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và lòng hồ Trị An (Đồng Nai) điêu đứng vì loài cây này.
Mai dương mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó bị tiêu diệt do chúng giành đất và làm thay đổi toàn bộ hệ động - thực vật. Điều đó tác động mạnh đến người dân và đặc biệt là đe dọa đến sức khỏe.
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cây mai dương không những xuất hiện ở nhiều quận - huyện của TP mà còn ủ trong đất san lấp mặt bằng, đất chưa xây dựng. Chi cục Bảo vệ thực vật đã kiến nghị UBND cấp xã - phường phối hợp rà soát, triệt phá nơi cây mai dương sinh trưởng, sau khi đào phải gom đến nơi an toàn để tránh sự phát tán. Cụ thể, cây con có thể nhổ nhưng phải trang bị công cụ bảo vệ, tránh gây thương tích. Nếu dùng thuốc thì nên pha lượng vừa phải để phun lên bề mặt. Riêng khu vực cây có bụi rậm, sinh trưởng cao hơn 1 m thì phải đào tận gốc, gom về một nơi an toàn hoặc phun thuốc diệt cỏ với lượng dùng 1 gói 60 g pha hơn 600 lít nước phun toàn bộ bề mặt (nếu gần khu dân cư hoặc gần nguồn nước thì tuyệt đối không dùng phương pháp này). Những khu đất trống sợ mai dương phát triển thì có thể trồng cỏ voi, cỏ mía, mười giờ để ngăn chặn sự phát triển của loài cây này và tạo thảm thực vật tươi xanh.
Không để da tiếp xúc trực tiếp
Viện Sinh thái học Miền Nam cảnh báo khi nhổ cây mai dương, cần ăn mặc kín đáo, tránh để da tiếp xúc trực tiếp vì một phần gai và bụi bông sẽ gây thương tích. Nếu xảy ra sự cố, hạn chế gãi để không bị ngứa lan rộng; đồng thời dùng nước rửa, không được lấy khăn lau mà có thể thoa rượu cồn để rửa sạch chất độc.
Theo ThS Lê Minh Thành, điều phối viên Tổ chức Môi trường Thế giới tại Việt Nam, giải pháp lâu dài là cần tuyên truyền mạnh để người dân nhận ra loài cây nguy hiểm này bởi nếu không tiêu diệt, sớm muộn chúng sẽ xâm lấn đất trồng trọt.
Bình luận (0)