Có những cây xanh thuộc hàng cổ thụ mọc tự nhiên nhưng thường ở làng quê hay trong đô thị, đa phần cây được trồng, chăm sóc bởi nhiều thế hệ tiền nhân, những người góp công khẩn hoang lập ấp, lập làng rồi dần thành phố thị. Gọi cổ thụ là cây di sản, ký ức cũng không sai.
Thế giới rất quý trọng cây có tuổi thọ hàng trăm năm trở lên, xác định là "cây di sản" để có chính sách bảo vệ. Bởi ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, "cây di sản" cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
Một số tiêu chí chung được các nước đưa ra để xác định "cây di sản". Đối với cây mọc tự nhiên, phải sống trên 200 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 40 m, chu vi trên 6 m đối với cây gỗ đơn thân còn đối với các cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 25 m, chu vi trên 15 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử). Đối với cây trồng, phải sống trên 100 năm, cao to hùng vĩ (cao trên 30 m, chu vi trên 3,5 m đối với cây gỗ đơn thân còn với cây đa, si thuộc chi ficus phải cao trên 20 m, chu vi trên 10 m), có hình dáng đặc sắc (ưu tiên các loài có giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử). Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật đã nêu nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử hoặc văn hóa hoặc mỹ quan cũng sẽ được xem xét đặc biệt.
Ở Việt Nam từ năm 2010, Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng việc tuyển chọn, vinh danh "cây di sản" với tên gọi "Bảo tồn cây di sản Việt Nam" được nhiều địa phương hưởng ứng. Đến nay đã có hơn 5.000 cổ thụ được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, được VACNE công nhận là "Cây di sản Việt Nam", theo tiêu chí chung, đang được bảo tồn tốt nhất theo khả năng có thể. "Cây di sản" có tuổi thọ lâu nhất Việt Nam là cây táu bạc ở đền Thiên Cổ, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, được xác định có tuổi thọ khoảng hơn 2.000 tuổi. Cây dã hương 1.000 năm tuổi ở xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang được cho là cổ thụ độc nhất vô nhị trên thế giới.
Cây dã hương 1.000 năm tuổi ở xã Tiên Lục, tỉnh Bắc Giang Ảnh: Tư Liệu
Hà Nội là đô thị có nhiều "cây di sản". Trong đó, một số cây có giá trị cao, tuổi đời từ 900 đến 1.000 năm. Nhiều đô thị phía Nam có "cây di sản". Riêng TP HCM chưa thấy nêu tên, dù vùng đất này có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, không ít cây trồng có tuổi thọ hơn 100 năm: Cây đa hơn 300 năm tuổi tại Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1; cây thị hơn 160 năm tuổi, cây sọ khỉ chừng 150 tuổi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn; 10 cây xà cừ trên 100 tuổi ở Trường THPT Marie Curie, quận 3... Lý do là "chưa có đề xuất nào từ cá nhân, tổ chức để hướng đến bảo quản các hệ thống cây này" - theo VACNE.
Cây đa trên 300 tuổi ở Công viên Bách Tùng Diệp (TP HCM) Ảnh: Tấn Thạnh
Bảo tồn cổ thụ không chỉ khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ cây mà còn góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
VACNE khẳng định việc lựa chọn và vinh danh "cây di sản" góp phần bảo tồn nguồn gien tiêu biểu, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, tạo nguồn cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện "Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ.
Dù vậy, "Cây di sản" ở Việt Nam vẫn chưa được thể chế hóa để bảo tồn, chăm sóc tốt nhất.
Bình luận (0)