xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha tôi - thầy thuốc của làng!

Bài và ảnh: Trần Thị Minh Khanh

Cha tôi vẫn bảo đã làm nghề y thì không được phép từ chối người bệnh. Cái gì làm được thì phải làm tận tâm tận lực, cái gì không làm được thì phải hướng dẫn cho đúng nơi đúng chỗ

Dịch Covid-19 quái ác hoành hành khắp nơi, đặc biệt ở miền Nam thân yêu trong những tháng qua đã gây ra nhiều mất mát đau thương không thể nào kể xiết: Con mất cha mẹ, vợ chồng ly biệt... Tôi đã phải sống trong một vùng dịch ở tỉnh Đồng Nai, trải nghiệm sự khó khăn bức bách khi ngồi nhà đếm ngày đếm tháng mong dịch bệnh được khống chế, ước ao ra đường trở thành xa xỉ.

Chỗ dựa của gia đình, lối xóm

Đã có những ngày tiếng xe chở bệnh nhân vào ra trước cổng bệnh viện gần nhà cứ hú đến rợn người. Đường phố im ắng đến lạnh lùng. Có cái gì đó như vừa qua bão tố, xác xơ, tan hoang. Chúng tôi cố thủ trong nhà, nhưng những "chiến sĩ áo trắng" thì tất bật với công việc. Có người làm việc đến kiệt sức. Có người nhiễm bệnh và đã vĩnh viễn ra đi.

Giữa lằn ranh của sự sống chết những ngày như thế, hình bóng cha tôi - y tá Trần Đức Mạnh lại hiện dần lên trong trí nhớ. Tất cả như một cuốn phim về cuộc đời người cha đáng kính, người "chiến sĩ áo trắng" đã chiến đấu không mệt mỏi vì quê hương, đất nước.

Cha tôi - thầy thuốc của làng! - Ảnh 1.

Y tá Trần Đức Mạnh

Cha tôi sinh ra ở một trong những vùng quê một thời được ghi nhận trong bát danh hương "Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim" của tỉnh Quảng Bình. Đó là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Thời nạn đói hoành hành của những năm1944-1945, rất đông người dân quê tôi kéo nhau sang Lào, Thái Lan tìm cơ hội mưu sinh. Cha tôi lúc ấy cũng đi theo nội sang sinh sống ở Thái Lan rồi lớn lên được nội cho theo học nhiều nghề: cắt tóc, may vá, nhạc, cuối cùng là nghề y.

Mặc dù bấy giờ hoàn cảnh gia đình chỉ cho phép theo học hết chuyên môn ở bậc y tá nhưng với nỗ lực học hỏi để nâng cao tay nghề, cha tôi đã từng chữa được nhiều ca bệnh giúp mọi người và trở thành chỗ dựa của gia đình, bà con lối xóm trong giai đoạn đất nước còn khó khăn, giao thông đi lại trắc trở, việc chăm sóc sức khỏe cho người dân chủ yếu dựa vào y tế cơ sở là trạm xá của xã. Các trạm y tế cấp xã thời bấy giờ đều trong tình trạng rất thiếu thốn cả nhân lực lẫn trang thiết bị y tế.

Sau khi tham gia bộ đội tình nguyện chống Pháp, ông bị giặc bắt giam 2 năm ở bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Khi được trao trả tù binh, cha về lại quê hương, xây dựng gia đình, rồi làm việc cho trạm y tế của xã.

Những ngày đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, quê hương tôi chìm trong bom đạn của giặc. Gia đình tôi trở thành nơi dự trữ các loại thuốc men và đồ dùng y tế miễn phí của trạm y tế xã, cha tôi và đồng nghiệp đúng là những "chiến sĩ áo trắng" ngay chính trên quê hương. Sau mỗi loạt bom rơi đạn nổ, trong khi chúng tôi vẫn chưa hết hoảng sợ, vẫn núp kín trong hầm thì cha đã cùng đồng nghiệp lao đi hết chỗ nọ đến chỗ kia, tất tả cứu người.

Mặc mưa hay đêm đông khuya khoắt gió lạnh, hễ có tiếng gọi cầu cứu là cha lại xách túi ra đi. Mẹ tôi nhìn theo bước chân cha mà ứa nước mắt, không giấu nổi nét lo lắng hằn sâu trên khuôn mặt khắc khổ. Vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghe cha than phiền về công việc vất vả, hiểm nguy.

Tấm lòng "Lương y như từ mẫu"

Những năm 1977, 1978, quê tôi oằn mình với thiếu thốn và đói nghèo do là vùng đất tuyến lửa vừa ra khỏi chiến tranh vừa do hạn hán, lũ lụt liên miên. Cha tôi ngoài việc làm y tá, làm ruộng còn phải làm thêm nghề cắt tóc, thợ hồ... để kiếm thu nhập nuôi đàn con tám đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Vậy mà, nhiều buổi đi làm về, chưa kịp ăn bát cơm đã thấy các ông, các bà bưng thuốc tới nhờ tiêm hay khám bệnh. Dù đang đói và mệt, cha tôi vẫn không một lời than phiền mà còn cười thật tươi. Ông bảo mẹ con tôi: "Bà con cần mới đến với mình. Giờ không giúp bà con thì họ đi đâu. Đã làm nghề y thì không được phép từ chối người bệnh. Cái gì làm được thì phải làm tận tâm tận lực, cái gì không làm được thì phải hướng dẫn cho đúng nơi đúng chỗ".

Hồi đó, quê tôi còn bị ngăn cách với bên ngoài bởi con sông Gianh rộng lớn, mọi sự giao thương đều phụ thuộc vào đò ngang nên khi đau ốm, muốn đi bệnh viện huyện là hết sức khó khăn. Nên lúc đau ốm, mọi người chỉ còn cách đến nhờ các nhân viên của trạm y tế xã như cha tôi. Cha biết cả tiếng Lào, tiếng Thái Lan nên nhiều người đến nhờ tiêm, tiện thể nhờ cha viết giùm cho mấy dòng bằng chữ Lào hay chữ Thái Lan trên bì thư để họ gửi cho người thân đang sinh sống bên đó. Có đêm, hết người này đến người khác đến nhờ, thế mà ông vẫn niềm nở, không một lời than phiền.

Công tiêm chích, khám bệnh và viết thư giùm cho bà con được trả ơn bằng những lời cảm ơn hoặc có gói trà Bắc. Biết cha tôi thích trà, vào dịp lễ Tết, những người thường đến nhờ tiêm hay khám bệnh mang trà đến tặng ông để có dịp hàn huyên trong những đêm trăng sáng.

Cha tôi - thầy thuốc của làng! - Ảnh 2.

Y tá Trần Đức Mạnh (bìa phải) trong ngày vui của con cháu

Có lần, cặp vợ chồng ở cạnh nhà tôi đi làm ruộng, hai đứa con nhỏ ở nhà chơi với nhau. Cha mẹ khóa cửa ngoài yên tâm đi làm vì nghĩ có 2 anh em chơi với nhau trong nhà là ổn. Bỗng nghe tiếng trẻ con gọi thất thanh: "Ông ơi! em con chết rồi". Cha bung cửa chạy sang, thấy cửa khóa liền phá cửa xông vào thì thấy đứa em nằm bất tỉnh vì té. Nhiều dấu hiệu cho thấy thằng bé bị chấn thương rất nặng. Cha tôi tận lực cứu chữa. Cũng không rõ ông làm cách nào mà thằng bé dần hồi tỉnh trong niềm vui và sự thán phục của mọi người.

Đối diện nhà tôi là gia đình của ông Cao Khâm sở hữu mảnh vườn sum suê cây trái. Những hàng cau cao vút quá nóc nhà, từng buồng trái lúc lĩu trong gió. Ở quê tôi, đến mùa hái cau, người ta leo lên tận ngọn của một cây, hái xong là vít cong ngọn cây để chuyền sang cây khác hái tiếp mà không cần tụt xuống để leo lên lại từ đầu.

Một chiều se lạnh, thằng cu Hải - con ông Khâm - như lệ thường vẫn nhẹ nhàng như một chú mèo thoắt cái đã leo lên tận ngọn cây cau ở góc vườn để hái trái. Bỗng một tiếng rắc, cây cau gãy do có một đoạn bị vết cắt chìm của bom thời chiến tranh. Ngọn cau bật tung, hất cu Hải xuống đất. Em nằm bất động, mắt nhắm nghiền, hơi thở rất yếu, đứt quãng. Mọi người chạy ra nhìn em bất lực. Bố mẹ em khóc ngất vì nghĩ đứa con đã không còn cơ hội sống sót. Cha tôi nghe tin, băng đồng chạy về. Thật kỳ diệu, đôi bàn tay khéo léo của ông đã cứu cu Hải thoát chết. Mọi người vui mừng khôn xiết. Từ đó, cha tôi có thêm đứa con nuôi. Chị em chúng tôi có thêm một đứa em trai đầy tình nghĩa, chính là cu Hải.

Năm 1987, tôi sinh đứa con đầu lòng. Đó là một ngày mưa bão, không cách gì đến được trạm y tế nên phải sinh ở nhà. Sau sinh mấy ngày, sót nhau thai nên tôi sốt li bì. Đầu đau quay cuồng như búa bổ. Tôi đã sắp không chịu nổi nữa và mơ màng nghĩ cái chết cận kề. Nhưng khi gắng gượng mở mắt, tôi thấy cha trầm ngâm ngồi cạnh. Ánh mắt ông ấm áp lạ lùng khiến tôi như bừng tỉnh. Rồi ông lấy một nắm ngọn lá hơ nóng, xoa lên người và rắc xác lá lên thân thể tôi. Người tôi cứ thế hạ nhiệt dần. Ông chăm tôi từng li từng tí, tiêm thêm thuốc trợ sức, thức trắng bao đêm liền bên cạnh giường để theo dõi.

Tôi thoát chết và bình phục nhanh chóng. Cha tôi nói bài thuốc ấy là một bí truyền của y học cổ truyền, giản đơn thôi nhưng không được khuyến cáo sử dụng, trừ trường hợp gặp cảnh thập tử nhất sinh, bất khả kháng. Tôi cũng không dám hỏi nhiều về những chuyện chuyên môn, chỉ biết cảm ơn bàn tay chăm sóc chu đáo của cha, cảm ơn cuộc đời đã cho anh em chúng tôi có người cha biết nghề y! Tôi tự hào hơn về những người thầy thuốc với tấm lòng "Lương y như từ mẫu"!

Chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng tư

Giữa những ngày căng thẳng với dịch Covid-19, tôi lại thấy hình ảnh người cha đáng kính của mình giống hệt những "chiến sĩ áo trắng" tuyến đầu, chỉ khác nhau về thời gian, không gian. Nếu đang sống trong hoàn cảnh này, tôi tin cha cũng sẽ có mặt cùng đồng nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch.

Những "chiến sĩ áo trắng" nơi tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh quyền lợi riêng tư, miệt mài chống chọi từng giờ từng phút với căn bệnh quái ác để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Khi mọi người cửa đóng then cài không dám tiếp xúc với ai thì những "chiến sĩ áo trắng" vẫn trực tiếp đối diện với khó khăn, vất vả. Không chỉ có thế, hằng ngày họ phải chứng kiến những nỗi đau xé lòng của những người mất người thân, đau cùng nỗi đau của người bệnh, hằng tháng trời phải xa gia đình.

Nghĩ mà rơi nước mắt khi không ít y, bác sĩ có bố mẹ hoặc người thân qua đời mà không về được để chịu tang. Thật xót xa với hình ảnh những người bố, người mẹ làm nghề y về thăm con sau mấy tháng xa cách mà chỉ dám đứng nhìn từ xa. Tất cả những vất vả, cực nhọc, đau thương mà những người làm trong nghề y đã trải qua và chứng kiến chẳng thể nào kể xiết.

Cảm ơn những chiến sĩ tuyến đầu đã đem lại sự sống và bình yên cho mọi người, mọi nhà. 

Mỗi ngày có hàng ngàn bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh là nhờ bàn tay chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ. Nhiều người kể, chỉ khi cận kề cái chết, được các y, bác sĩ cứu chữa để trở về với gia đình, mới cảm nhận được giá trị của việc cứu người.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Cha tôi - thầy thuốc của làng! - Ảnh 4.
Cha tôi - thầy thuốc của làng! - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo