Ngày 31-1, tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và TP HCM đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với chủ đề "Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968".
Đỉnh cao chói lọi
Dự lễ kỷ niệm có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các nguyên lãnh đạo Đảng và nhà nước, cán bộ lão thành cách mạng. Về phía lãnh đạo TP HCM có Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm... Cùng về dự có lãnh đạo nhiều tỉnh - thành, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT), tướng lĩnh quân đội, các cựu chiến binh, đại diện các gia đình liệt sĩ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đoàn viên thanh niên, chức sắc tôn giáo, tổng lãnh sự các nước tại TP HCM, các tầng lớp nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Đọc diễn văn kỷ niệm, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: "Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ mùa Xuân hùng tráng ấy, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết, để một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử xuất sắc để thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào, tự tin tiếp nối những giá trị lớn lao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, là đỉnh cao chói lọi của lịch sử dân tộc vào thế kỷ XX".
Đánh giá cao tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện này, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta để giành độc lập tự do được dẫn dắt soi đường, sự lãnh đạo tài tình, đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. "Chúng ta mãi mãi tự hào về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là kết tinh vĩ đại sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời và tinh thần sẵn sàng xả thân, hy sinh của đồng chí, đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, hòa quyện ý Đảng với lòng dân, với khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình "Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn" như mong ước của Bác Hồ" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Tự hào về truyền thống anh hùng
Theo Bí thư Thành ủy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là minh chứng hiện thực sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Đó là việc xác định hướng tiến công chiến lược, chủ yếu nhằm vào các thành thị, đánh sập các cơ quan đầu não của địch. Đó là sự bí mật bất ngờ, sáng tạo trong xác định chủ trương, chiến lược của Đảng đến tổ chức chỉ đạo, bố trí quy mô lực lượng, mục tiêu và thời điểm tiến công. Đó còn là nét độc đáo của chiến tranh cách mạng, của cuộc chiến tranh nhân dân…
Đại tá Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang) - Anh hùng LLVT, nhân chứng lịch sử từng trực tiếp tham gia chỉ huy chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 - cho biết ông rất xúc động và tự hào được dự lễ kỷ niệm, được tổ chức tại TP mang tên Bác kính yêu, tại một trong những trọng điểm ác liệt nhất mà ông và những đồng đội đã chiến đấu kiên cường. Ông bày tỏ: "Tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, tự hào về truyền thống quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, các cựu chiến binh nguyện phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ xây dựng phát triển đất nước hôm nay".
Thay mặt thế hệ trẻ phát biểu tại lễ kỷ niệm, sinh viên Nguyễn Thị Phương Nghi (ĐHQG TP HCM) chia sẻ: Trong trái tim và khối óc của mỗi người trẻ hôm nay luôn giữ vững và cháy bỏng một niềm tin sâu sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời của ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam.
50 năm sau Xuân Mậu Thân 1968, tuổi trẻ Việt Nam tiếp nối cha ông tiếp tục viết nên những mùa xuân mới, xây dựng đất nước hùng mạnh. "Tuổi trẻ Việt Nam nhất định nêu cao tinh thần tiến công, sáng tạo, đoàn kết cùng toàn Đảng, toàn dân phát huy các thành quả cách mạng vì Việt Nam mãi hùng cường" - sinh viên Phương Nghi nêu quyết tâm.
Tri ân anh hùng liệt sĩ, người có công
Cùng ngày, sau khi dự lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo TP HCM tới thăm căn hầm bí mật của gia đình Anh hùng LLVT Trần Văn Lai (Năm Lai) tại quận 3, TP HCM. Ông Năm Lai (bí danh Mai Hồng Quế) đã mất năm 2002. Đón đoàn là bà Đặng Thị Thiệp (vợ ông Năm Lai) và ông Phạm Văn Hôn, chiến sĩ biệt động từng tham gia cuộc tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 50 năm trước.
Theo lời kể của bà Đặng Thị Thiệp, trong số 8 chuyến chở vũ khí về đây cất giấu, chồng bà trực tiếp vận chuyển 3 chuyến. Tổng cộng số vũ khí trong hầm đến thời điểm 1968 là hơn 2 tấn. Chính từ căn hầm này, đêm mùng 1 rạng mùng 2 Tết Mậu Thân, các chiến sĩ biệt động đội 5 đã tập kết về đây nhận vũ khí và xuất phát tấn công vào Dinh Độc Lập.
Tổng Bí thư bày tỏ sự trân quý công sức của các anh hùng liệt sĩ, gia đình ông Trần Văn Lai, đã góp phần làm nên chiến thắng...
Buổi chiều, đoàn lãnh đạo Đảng, nhà nước, Quân khu 7 và TP HCM do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đã đến viếng và dâng hương tại Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước hương hồn của 45.639 anh hùng liệt sĩ. Tiếp đó, Chủ tịch nước cùng đoàn đến dự chương trình "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam", tặng quà 100 gia đình chính sách, hộ nghèo của huyện.
Bình luận (0)