Theo Trung tướng Huỳnh Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, ngay từ tháng 7-1967, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Trung ương Cục và các khu ủy toàn miền Nam phải kiên quyết giành ưu thế quân sự, chính trị; phải tiến lên giành chủ động chiến dịch và buộc địch phải chuyển vào thế phòng ngự trên 3 chiến trường quyết định, trong đó có vùng đồng bằng, giáp ranh Khu 5 và Tây Nguyên.
Thu hút kiềm chế địch
Đại tá, ThS Đỗ Nhuận (Viện Lịch sử Quân đội) cho biết tại Tây Nguyên, sau thất bại ở Đắk Tô (tháng 11-1967), quân Mỹ phải thực hiện chiến lược "quét và giữ". Để giữ được Tây Nguyên - một địa bàn chiến lược quan trọng có tác dụng làm bình phong ngăn chặn Quân Giải phóng phát triển tấn công về đồng bằng Khu 5 và uy hiếp hướng Nam Bộ, địch đã tổ chức xây dựng các tuyến ngăn chặn tiến công kết hợp phản kích nhằm chốt giữ các vị trí quan trọng và những vùng xung yếu. Quân đội Sài Gòn được điều động ra tuyến trước thay thế quân Mỹ và đồng minh.
Tuổi trẻ dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài Mậu Thân ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Ảnh: CAO NGUYÊN
Về phía ta, ngày 28-12-1967, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho chiến trường Tây Nguyên, nhấn mạnh: "Thu hút kiềm chế địch, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam; tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực quân Mỹ, quân đội Sài Gòn; đánh vào các thị xã, diệt ngụy quyền, đẩy phong trào quần chúng vùng lên".
Cụ thể hóa nhiệm vụ, Khu ủy và Đảng ủy Quân khu 5 xác định Tây Nguyên "là hướng rất quan trọng, chiến trường tiêu diệt lớn sinh lực địch; cắt phá giao thông, bao vây cô lập các căn cứ địch ở Kon Tum, Pleiku, Buôn Ma Thuột, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy tại chỗ; thu hút kiềm chế và đánh tiêu diệt lớn quân Mỹ trên chiến trường rừng núi, tạo thuận lợi cho chiến trường đồng bằng". Kế hoạch cụ thể đối với các đô thị ở Tây Nguyên là chủ yếu sử dụng đòn tiến công quân sự để giải phóng.
Thực hiện kế hoạch, chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, 27.800 bộ đội chủ lực, hơn 6.000 bộ đội địa phương và gần 16.000 du kích được triển khai trên các hướng; hàng chục ngàn quần chúng sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh và phục vụ chiến đấu.
Địch phải căng kéo lực lượng đối phó
Cũng theo đại tá - ThS Đỗ Nhuận, thời điểm này quân Mỹ ở Đắk Lắk có khoảng 450 cố vấn và nhân viên kỹ thuật; quân đội Sài Gòn có Trung đoàn 45 bộ binh, Trung đoàn 8 thiết giáp và một số tiểu đoàn bảo an. Tại Gia Lai, quân Mỹ có Sư đoàn 1 không vận, Sư đoàn 4 bộ binh và Lữ đoàn 173; quân đội Sài Gòn có Tiểu đoàn 11 và 22 biệt động quân, 1 trung đoàn thiết giáp và 1 tiểu đoàn bảo an. Ở Kon Tum, quân Mỹ có 1 lữ đoàn, quân đội Sài Gòn có Trung đoàn 42, một tiểu đoàn biệt động quân và một số tiểu đoàn bảo an.
Để chuẩn bị cho việc tổng tiến công và nổi dậy, từ ngày 15 đến 25-1-1968, Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên mở đợt tiến công cao điểm trên toàn chiến trường, tổng cộng đã đánh 36 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 2.366 tên địch (trong đó có 1.608 tên Mỹ), bắt 88 tên, phá hủy 361 xe quân sự các loại, 17 khẩu pháo lớn; phá hủy trên 3.000 tấn bom, đạn, xăng, dầu; bắn rơi và phá hỏng 198 máy bay, thu 205 khẩu súng các loại… Việc tiến công kết hợp chặt chẽ giữa diện rộng và đánh thọc sâu vào các mục tiêu nằm trong hậu cứ địch mà trước đó ta chưa có điều kiện thực hiện buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó trên các hướng.
Sau đợt cao điểm này, theo kế hoạch tác chiến, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ các tỉnh của Tây Nguyên, chiều 29-1-1968, hàng trăm cán bộ, đảng viên bí mật tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công trên các hướng. Tiểu thương ở chợ Kon Tum cung cấp quần áo cho bộ đội cải trang để mang vũ khí vào nội thị an toàn; quần chúng ở Gia Lai và Đắk Lắk dưới hình thức đi sắm hàng Tết di chuyển vào nội thị chờ lệnh hành động.
0 giờ 30 phút ngày 30-1, Sư đoàn Bộ binh 1 sử dụng Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 174) phối hợp lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương nổ súng tấn công thị trấn Tân Cảnh (Kon Tum), mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, các hướng đồng loạt nổ súng: Buôn Ma Thuột: 0 giờ 45 phút, Pleiku: 0 giờ 55 phút, Kon Tum: 1 giờ 15 phút.
Sau hơn một tuần chiến đấu, quân và dân Đắk Lắk loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch, bắt 90 tên, thu 140 súng các loại, đốt cháy 12 kho xăng dầu, phá hủy 180 xe quân sự các loại của địch. Tại Gia Lai, quân và dân đã loại 3.500 tên địch khỏi vòng chiến đấu, phá hủy 580 xe quân sự, 35 khẩu pháo và đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu; phá nhà lao giải thoát gần 2.000 người yêu nước bị địch giam giữ. Quân và dân ở Kon Tum cũng loại khỏi vòng chiến đấu 1.500 tên địch, phá hủy 253 xe quân sự, bắn rơi và phá hủy 37 máy bay, đốt cháy 5 kho xăng và phá hủy 3 kho đạn.
Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến trường Tây Nguyên tiếp tục chỉ đạo quân và dân mở tiếp 4 đợt tiến công cao điểm từ ngày 17-2 đến 25-5-1968 trên toàn chiến trường.
Kỳ tới: Chấn động Sài Gòn - Gia Định
(Dẫn theo tài liệu tại hội thảo về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức).
Mãi là bản anh hùng ca
Đánh giá về Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk khẳng định đó "thực sự là cuộc huy động lực lượng có quy mô lớn, có ý nghĩa "tập dượt" cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 sau này. Tuy hoạt động quân sự chưa đạt yêu cầu cao, chưa thực hiện được kế hoạch hiệp đồng giữa cánh Nam và cánh Bắc; đòn tiến công quân sự của ta chưa đủ mạnh để áp đảo địch, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy kéo vào thị xã; địch còn khả năng điều quân phản kích gây tổn thất lớn cho lực lượng quần chúng… nhưng thắng lợi của Tết Mậu Thân với trình độ tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy và ý chí quyết tâm, với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường bất khuất của quân và dân các dân tộc trong tỉnh sẽ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt mà Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk đã góp phần vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc".
Bình luận (0)