Yếu tố con người được nhắc đến như là một điểm nghẽn then chốt dẫn đến tình trạng này, bên cạnh vướng mắc về thủ tục, quy trình, công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, nhấn mạnh nguyên tắc nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; siết chặt kỷ cương, kỷ luật; xử lý mạnh tay đối với cá nhân, tập thể không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân...
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bởi quản lý con người gắn liền với dự án trong một bối cảnh cụ thể thì không thể chỉ dựa vào những quy định, nguyên tắc chặt chẽ mà quên đi việc tạo ra cơ chế thông thoáng cho họ làm việc. Quản chặt là để tránh tình trạng chây ì, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhất là khi chúng ta đã có nhiều bài học về dự án thua lỗ, chậm tiến độ nghiêm trọng. Nhưng thông thoáng để tạo ra những khoảng trống cần thiết và phù hợp cho cán bộ, người đứng đầu được linh hoạt, sáng tạo theo tình hình thực tế. Chặt chẽ đến mức không thông thoáng thậm chí có thể khiến cán bộ, người đứng đầu không dám làm vì sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị xử lý. Đấy là điều rất tai hại.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới chao đảo, hàng trăm ngàn dự án, công trình lớn bị ngưng trệ. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi có tới 2 làn sóng dịch bệnh nối tiếp nhau trong vài tháng. Giải ngân đầu tư công đứng trước thách thức của việc đóng cửa giao thương, hạn chế nhập cảnh, giãn cách xã hội. Không khó hiểu vì sao giải ngân những tháng đầu năm rất thấp và chỉ khởi sắc lại vào tháng 7 - khi Thủ tướng đưa ra hàng loạt giải pháp rốt ráo xử lý "cục máu đông" tắc nghẽn này.
Bối cảnh mới càng cần cơ chế thông thoáng, linh hoạt song song với những quy định chặt chẽ. Chẳng hạn, nới rộng trách nhiệm và quyền của người đứng đầu trong việc chịu trách nhiệm với Chính phủ về dự án để họ được áp dụng những cách làm riêng của mình, miễn là trong phạm vi quy định của pháp luật và cam kết tiến độ. Hoặc cho phép huy động vốn tạm thời ở bên ngoài trong điều kiện chưa kịp giải ngân đối với dự án đã được phê duyệt... Những việc này thực chất là nới quyền cho người đứng đầu nhưng cũng ràng buộc trách nhiệm của họ rất lớn. Hiệu quả của cơ chế này với tiến độ giải ngân vốn công chắc chắn sẽ khá lớn. Song để làm được, cần có cơ chế rõ ràng bởi nếu không, sau này khi đối chiếu lại quy định, quy trình, cơ quan thanh tra lại quy kết những người có trách nhiệm làm sai thì không ai dám làm nữa.
Chặt chẽ và thông thoáng. Đó là nghệ thuật của người làm chính sách nói chung và chính sách đầu tư công nói riêng để vừa kiểm soát vừa khơi gợi được tinh thần cống hiến, linh hoạt của cán bộ nhà nước, nhà đầu tư. Nếu không, vẫn sẽ có hàng loạt vướng mắc như là cái cớ để họ bám vào và biện minh cho sự ì ạch của mình.
Bình luận (0)