Những ngày này, không chỉ Tây Ninh, Bình Phước mà cả Bình Dương cũng đang ra sức chạy nước rút để giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng còn lại của năm 2022 với nhiều giải pháp quyết liệt.
Phấn đấu tối đa
Theo ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Bình Dương, tính đến hết tháng 10, vốn đầu tư công của Bình Dương mới giải ngân được gần 3.700 tỉ đồng, trong khi năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 8.900 tỉ đồng, phân bổ cho 316 dự án, tăng 130 tỉ đồng so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Như vậy, Bình Dương mới giải ngân vốn công đạt 41% kế hoạch năm 2022. "Chúng tôi đang phấn đấu đạt được 90%. Để thực hiện mục tiêu này, 2 tháng cuối năm, Bình Dương đẩy nhanh giải ngân ở các dự án lớn, có sức ảnh hưởng, tạo đà phát triển. Ở đây có thể kể đến các dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13 (đoạn từ TP HCM đến hết địa bàn TP Thuận An - Bình Dương), dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Tây Ninh, dự án cầu đường nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Đồng Nai..." - ông Nhân nói.
Dự án cầu vượt trên đường ĐT 743 thuộc địa phận TP Dĩ An và TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) đang bước vào khâu hoàn thiện cuối cùng
Tại Bình Phước, tổng kế hoạch vốn đầu tư công điều chỉnh đã giao năm 2022 gần 7.500 tỉ đồng. Tính đến ngày 21-10, giải ngân gần 3.600 tỉ đồng, đạt gần 50% so với chỉ tiêu trung ương giao và đạt hơn 47% so với kế hoạch tỉnh giao. Cũng như Bình Dương, dù thời gian còn lại không nhiều nhưng Bình Phước vẫn đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm 2022, kể cả vốn kéo dài năm 2021 chuyển sang.
Trong khi đó, tính đến tháng 10, theo thống kê của Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh thì địa phương này có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt nhất trong khu vực. 9 tháng đầu năm 2022, Tây Ninh đã giải ngân vốn đầu tư công gần 2.400 tỉ đồng, đạt gần 67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 57% kế hoạch HĐND tỉnh giao (tăng 7% so với cùng kỳ). Ước giải ngân đến hết quý III là hơn 2.600 tỉ đồng, đạt trên 73% kế hoạch Thủ tướng giao và đạt gần 63% kế hoạch HĐND tỉnh giao. "Trong điều kiện khó khăn, tỉ lệ giải ngân vốn như vậy của địa phương là tương đối khá. Những tháng còn lại của năm, tỉnh phấn đấu hoàn thành giải ngân các nguồn vốn đạt 100%" - ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nói.
Nhiều giải pháp quyết liệt
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, để đạt được kết quả cũng như mục tiêu đề ra như đã nêu trên, ngay từ cuối năm 2021, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân hạn chế, yếu kém, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn ở những năm trước đó. Từ đó, tỉnh đã rút ra nhiều bài học để đẩy nhanh giải ngân vốn công, đặc biệt là những bài học liên quan đến giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư… "Lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy, tăng cường kiểm tra để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn trong những tháng còn lại của năm 2022" - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương nhìn nhận biến động của giá vật liệu xây dựng, những thay đổi trong các quy định về thủ tục đầu tư công, cùng với việc phê duyệt đơn giá đền bù triển khai chậm, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư còn thấp, việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn… là những nguyên nhân chính yếu khiến việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa như kỳ vọng. "Để khắc phục, Bình Dương đang tập trung tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng. Tiếp đến, tập trung nguồn lực cho công tác đầu tư công, rút ngắn thời gian thẩm định, thời gian xử lý hồ sơ; tăng cường phối hợp với chủ đầu tư, UBND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc" - ông Nhân thông tin.
Đặc biệt, ông Nhân cảnh báo Bình Dương đang tăng cường kiểm tra, giám sát và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Ngoài ra, sẽ thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Trong khi đó, giải pháp của tỉnh Bình Phước là đưa kết quả giải ngân dự án đầu tư công thành một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp, các ngành. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bình Phước nhấn mạnh chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh và các chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của cơ quan, địa phương thuộc phạm vi quản lý.
Bình luận (0)