xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chê nước sạch

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

100% hộ dân ở TP HCM được cung cấp nước sạch nhưng một tỉ lệ lớn đồng hồ nước có hóa đơn bằng 0 là điều đáng báo động

Theo thống kê của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tỉ lệ người dân sử dụng nước từ 4 m3 trở lên trong kỳ hóa đơn tháng 12-2018 của nhiều quận - huyện chỉ đạt 72%, thậm chí huyện Hóc Môn là 54%. Điều này cho thấy tình trạng người dân không mặn mà với nước sạch có dấu hiệu gia tăng dù đơn vị cung cấp nước đã bỏ hàng ngàn tỉ đồng để đưa nước đến nhà dân.

Hơn 60.000 đồng hồ nước "chết đứng"

Công ty CP Cấp nước Trung An cho biết trong 3 năm qua, đơn vị này đã gắn khoảng 180.000 đồng hồ nước cho khu vực quận 12, Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Thế nhưng, hàng chục ngàn đồng hồ nước được gắn tận nhà nhưng nhiều người vẫn không có nhu cầu sử dụng. Theo thống kê, trong tháng 12-2018, có tới 60.556 đồng hồ nước ở 3 quận - huyện này có hóa đơn bằng 0 m3. Còn số lượng dùng chưa tới 4 m3 chỉ khoảng 40.000 cái.

Chê nước sạch - Ảnh 1.

Bồn chứa và bể lọc nước giếng của các hộ dân ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM) ám màu vàng sậm của phèn, trông rất bẩn

Nói về nguyên nhân không xài nước máy, bà Trần Thị Thảo, ngụ xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), lý giải nguồn nước giếng mà gia đình bà sử dụng từ nhiều năm qua vẫn còn… sạch. "Nước giếng có vị ngọt, mình dùng riết thành quen, hơn nữa lại tốn ít tiền hơn xài nước máy" - bà Thảo nói.

Dù ít hơn nhưng ở huyện Bình Chánh vẫn còn đến gần 10.000 đồng hồ nước chỉ để làm cảnh, tập trung ở các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Bà Nguyễn Thị Bé (ngụ đường Cái Trung, xã Tân Kiên) thừa nhận lâu nay dùng nước giếng khoan không tốn tiền, khi chuyển qua nước máy phải trả tiền hằng tháng nên bà không xài.

Tuy người dân không xài nước máy, khẳng định nước giếng vẫn còn sạch nhưng theo quan sát, dọc khu dân cư nơi bà Thảo và bà Bé ở, chúng tôi thấy nhiều bồn chứa và bể lọc nước giếng của người dân ám màu vàng sậm của phèn. Đó là chưa kể, khi thử sử dụng nước giếng đã được lắng lọc trên bồn chúng tôi vẫn thấy mùi tanh của bùn, đất.

Chỉ vận động là chưa đủ

Ông Hoàng Thế Bảo, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Trung An, cho rằng đơn vị này đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng để phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ nước mà người dân không xài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu tiên là hiệu quả kinh tế không đạt vì tốn kinh phí đầu tư nhưng không bán được giọt nước nào. Người dân không xài nhưng áp lực nước vẫn phải bảo đảm nên dễ bị xì, bể dẫn đến thất thoát nước, nguồn nước cũng dễ bị đục hơn do các chất kết tủa lắng đọng. Mặt khác, những hộ dân có nhu cầu gắn đồng hồ thực sự cũng bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính vì đã tập trung nguồn lực phát triển trong những năm qua. "Quan trọng nhất vẫn là vấn đề sức khỏe của người dân bởi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật" - ông Bảo phân tích.

Theo kết quả kiểm tra chất lượng nước tháng 12-2018 của Trung tâm Y tế dự phòng TP thì có đến 12/22 mẫu nước giếng khoan của các hộ dân tự khai thác không đạt về các chỉ số hóa lý và vi sinh. Các mẫu không đạt tập trung ở khu vực ngoại thành như các quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Hóc Môn. "Khi sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn này, người dân dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, da liễu. Trung tâm Y tế dự phòng TP đã nhiều lần khuyến cáo người dân ở những khu vực đã được cung cấp nước sạch ưu tiên sử dụng nguồn nước này" - lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP khẳng định và thông tin thêm rằng đơn vị này cũng khuyến cáo chính quyền địa phương vận động người dân ở khu vực đã có nước sạch không tự ý khai thác nước ngầm và trám lấp các giếng khoan gia đình.

Ở nhiều buổi giám sát tình hình cung cấp nước sạch và gắn đồng hồ nước trên địa bàn huyện Bình Chánh, HĐND TP đã yêu cầu nếu người dân được gắn đồng hồ nước mà vẫn không xài thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm vận động để họ hiểu được lợi ích và chuyển sang sử dụng nước sạch, bảo đảm sức khỏe.

Bình luận về những khuyến cáo và yêu cầu trên, một cán bộ ngành tài nguyên môi trường (xin được giấu tên) cho rằng nhìn vào thực tế sẽ thấy việc khai thác nước ngầm quá dễ dàng dù đã có lệnh hạn chế. Do đó, ngoài vận động người dân xài nước máy vì sức khỏe thì địa phương và các cơ quan chức năng cũng mạnh tay xử lý các trường hợp khai thác nước ngầm trái phép, tiến tới cấm hẳn việc khai thác và sử dụng nước ngầm cho mục đích sinh hoạt. "Đặc biệt, ở những vùng mà hộ dân có thu nhập chưa cao thì chúng ta phải tính đến chuyện khuyến khích bà con sử dụng nước máy thông qua các chính sách hỗ trợ về giá. Có như vậy thì mục tiêu 100% người dân sử dụng nước sạch mới mong đạt được" - vị cán bộ trên đề xuất. 

Không dễ thu hồi đồng hồ nước

Trước tình trạng trên, lãnh đạo một số công ty cấp nước cho hay đang tính đến phương án thu hồi đồng hồ nước của những hộ dân không sử dụng nước sạch để tránh lãng phí.

Tuy nhiên, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM, nhìn nhận không dễ thực hiện bởi cần phải căn cứ trên Bộ Luật Dân sự, mà cụ thể là hợp đồng dịch vụ giữa công ty cấp nước và người dân giao kết với nhau. Nếu hợp đồng không có điều khoản thu hồi đồng hồ thì người dân sẽ phản ứng dù họ không xài hoặc xài dưới 4 m3.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo