Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC) và người lao động (NLĐ) trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND TP, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số trường hợp CB-CCVC cần rút kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử với công dân. Cụ thể như vụ tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục cấp giấy khai tử ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa); vụ việc liên quan đến Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - bà Lê Mai Trang...
Qua đó, nhiều vụ kỷ luật CB-CCVC trong thời gian qua đã được thực hiện. Đơn cử; UBND quận Nam Từ Liêm giáng chức đối với hiệu trưởng Trường THCS Phú Đô do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các nguyên tắc trong quản lý viên chức, quản lý tài chính và tài sản công; cảnh cáo đối với một giáo viên tiểu học ở Mễ Trì do không tuân thủ nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử...
Để chấn chỉnh việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định sẽ rà soát, chấn chỉnh những thiếu sót để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; tiếp tục kiên trì, tuyên truyền vận động để CB-CCVC từ nghiêm túc chấp hành quy tắc ứng xử sang tự giác. Ngoài ra, TP cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, tháng 1-2017, UBND Hà Nội ban hành quyết định về quy tắc ứng xử của CB-CCVC và NLĐ trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội. Theo đó, CB-CCVC và NLĐ phải chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc của cơ quan. Trang phục công sở lịch sự; đầu tóc gọn gàng. Ngoài ra, tư thế, cử chỉ nghiêm túc; thái độ niềm nở, khiêm tốn, lễ phép, tôn trọng người giao tiếp; sử dụng ngôn ngữ hòa nhã, không nói tục...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị nhân dân, các cơ quan báo chí tiếp tục giám sát, cung cấp thông tin để TP xử lý các vi phạm. Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng các chế tài xử lý mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm ứng xử nơi công cộng; xây dựng quy trình phân loại CB-CCVC hằng tháng, hằng quý, hằng năm để siết chặt đội ngũ.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử, TP thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin vào 2.000 thủ tục hành chính ở các cấp để giảm phiền hà, tiêu cực. "Chủ tịch UBND các quận, huyện; giám đốc sở, ngành phải trực tiếp gặp cán bộ để phổ biến các quy chế, chế tài xử phạt để cán bộ tự chấn chỉnh" - ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND TP đổi mới công tác tuyên truyền về 2 bộ quy tắc ứng xử; niêm yết công khai các quy tắc để người dân biết, giám sát... "Các cấp phải xử lý nghiêm vi phạm, xem xét nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu" - bà Ngọc nói.
Thí điểm một số nơi
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, sở này đã xây dựng bộ chế tài xử lý với 114 tình huống cụ thể và cho thí điểm ở một số nơi trong thời gian tới. Ngoài ra, việc lắp đặt camera giám sát, nối mạng đến lãnh đạo cấp phường, quận đã được triển khai nhiều năm và có hiệu quả cao, hỗ trợ công tác thanh - kiểm tra. "Quy tắc ứng xử với hệ thống chế tài xử lý là tiêu chí để chế định các hành vi của công chức và sẽ có chuyển biến tích cực hơn…" - ông Sáng nhấn mạnh.
Bình luận (0)