Chiều 14-11, Quốc hội (QH) biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với đa số phiếu tán thành.
Chi thường xuyên gần bằng nửa tổng chi
Theo nghị quyết, dự toán tổng số thu ngân sách trung ương là 810.099 tỉ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương 601.201 tỉ đồng. Về chi, QH quyết nghị tổng số chi ngân sách trung ương là 1,019 triệu tỉ đồng.
QH thống nhất chi đầu tư phát triển năm 2019 là 196.900 tỉ đồng, chi trả nợ lãi 121.900 tỉ đồng, dự phòng ngân sách trung ương 16.000 tỉ đồng, chi thực hiện cải cách tiền lương và tinh giản biên chế 16.200 tỉ đồng. Đặc biệt, chi thường xuyên được phân bổ 454.748 tỉ đồng, chiếm gần một nửa tổng chi ngân sách trung ương.
Nhìn vào số liệu phân bổ được QH thông qua, có thể thấy phần chi trả nợ lãi và chi thường xuyên chiếm tỉ lệ không hề nhỏ, chứng tỏ ngân sách đang chịu gánh nặng chi lớn và chưa thể cải thiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu (ĐB) Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho biết trong 3 năm qua, Chính phủ đã xử lý được gần 10.000 tỉ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản, cũng như bố trí được nguồn một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Trong đó, có việc gắn nguồn lực với quyết định đầu tư để bảo đảm dự án có vốn, tránh đầu tư dàn trải. Tuy nhiên, trước áp lực lớn với "túi tiền" của quốc gia, nhất là với mục tiêu QH nêu ra là đưa bội chi ngân sách từ 3,7% GDP năm 2018 về 3,6% vào cuối năm 2019, ông Nhã cho rằng cần tiếp tục siết chặt kỷ cương với cả hoạt động thu và chi. "Gốc rễ bền vững nhất là xuất phát từ sản xuất, có phát triển thì mới có nguồn thu. Do đó, giải pháp căn cơ vẫn phải là hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, vừa tháo gỡ khó khăn vừa tạo môi trường tốt cho sản xuất, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP thấp nhất 6,7%/năm" - ông Nhã nhấn mạnh.
Về chi ngân sách, ĐB Đinh Văn Nhã góp ý cần phải siết chặt tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng ngân sách thực sự theo đúng nghĩa "thắt lưng buộc bụng". "Vẫn còn hoạt động mang tính lãng phí, hình thức, phô trương. Triệt để hạn chế thì sẽ giúp tiết kiệm hiệu quả. Đặc biệt, phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập để xã hội hóa mạnh nhằm xóa và giảm bao cấp chi ngân sách, từ đó mới giảm được chi thường xuyên, có nguồn bố trí tăng chi đầu tư phát triển" - ĐB Nhã chỉ rõ.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần ưu tiên phân bổ lại ngân sách cho những địa phương có khả năng tạo nguồn thu lớn như TP HCM, Hà Nội... Ảnh: ĐÌNH NAM
Phân bổ ngân sách đúng chỗ
Bên hành lang QH, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu quan điểm phân bổ ngân sách phải bảo đảm nguyên lý chung là "tính hiệu quả" và "tính đầu tàu". Bên cạnh đó, cũng không được vi phạm quy luật kinh tế thị trường trong phân bổ ngân sách.
"Có khu vực, địa phương đạt hiệu quả đầu tư cao hơn vùng khác, như Hà Nội, TP HCM. Những địa phương này có ý nghĩa đầu tàu, lôi kéo, tạo ra động lực lan tỏa. Địa phương nào càng có vai trò đầu tàu mạnh mẽ thì càng phải đầu tư thỏa đáng, bởi đầu tư vào đây mang đến hiệu quả cao, đóng góp ngược trở lại ngân sách một nguồn lớn" - ông Nghĩa nói.
Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, hàng chục năm qua, công tác điều hành phân bổ ngân sách làm theo hình thức "phân phối lại", tức các địa phương phát triển, có nguồn thu lớn "gánh đỡ" cho địa phương khác. Hình thức này chỉ nên duy trì trong một thời gian nhất định, nếu kéo dài quá lâu, sẽ tạo sức ì cũng như tạo sự thiếu công bằng. Do đó, trừ khu vực vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, Chính phủ cần đòi hỏi các địa phương khác tự vươn lên để trang trải cho bản thân và đóng góp ngược trở lại ngân sách.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết thêm ủy ban cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến cho rằng phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 còn bình quân, dàn đều; cần tập trung quan tâm đối với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp, các địa phương vùng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các ý kiến còn góp ý cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển.
Theo kiến nghị của ông Đinh Văn Nhã, nhằm triển khai Nghị quyết 18 của trung ương, từ nay đến năm 2020, các địa phương phải tạo nguồn cải cách tiền lương bằng cách dành riêng 50% phần vượt thu để sau năm 2021 có nguồn thực hiện chi lương theo cơ chế mới. "Việc dành cho đầu tư phát triển các dự án cấp bách, các vùng trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, các dự án liên quan đến xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai cũng cần chú trọng" - ông Nhã gợi ý.
TP HCM thu cao nhưng chi trở lại thấp
Liên quan đến việc kiến nghị trung ương cho TP HCM được tự chủ tài chính, tăng tỉ lệ ngân sách phân bổ, ông Trương Trọng Nghĩa nêu rõ: "TP HCM thu ngày càng cao hơn nhưng dự toán chi trở lại lại thấp hơn. Đơn cử, dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn là 399.125 tỉ đồng nhưng dự toán chi 74.250 tỉ đồng, tỉ lệ 18%. Với dân số 10 triệu người, tình hình xuống cấp về hạ tầng, kỹ thuật... thì việc trang trải rất khó. Khi đó, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, năng suất lao động, chất lượng sống của người dân, thu hút đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng nguồn thu du lịch". Theo ông Nghĩa, đây là bài toán mà Chính phủ phải xử lý sớm.
Bình luận (0)