Chiều 2-11, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có công văn giao Công an TP Đà Nẵng kiểm tra, xác minh về việc một văn bản giả mạo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng được lan truyền trên mạng xã hội để tạo cơn sốt đất. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu xử lý nghiêm nếu thấy có dấu hiệu vi phạm.
Tạo sốt đất ảo
Trước đó, tối 1-11, Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Đà Nẵng phát thông cáo về việc trên mạng xã hội xuất hiện một văn bản giả mạo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ.
Theo văn bản giả mạo này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán (quận Ngũ Hành Sơn) qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ); giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án này, các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT phối hợp chỉ đạo việc xây dựng. Đây là một trong hàng loạt chiêu trò mà giới cò đất tung ra nhằm đẩy giá đất nền. Phòng Quản lý đô thị (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) khẳng định văn bản trên là giả mạo.
Khu vực đường Bùi Tá Hán nối khu đô thị sinh thái Hòa Xuân
Ông N.V.C, giám đốc truyền thông một công ty bất động sản tại TP Đà Nẵng, cho hay đây là một trong các chiêu trò được đánh giá là rất liều lĩnh của giới "cò đất". Gần đây, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng gần như đóng băng, giá đất không nhúc nhích và giao dịch rất kém nên 2 tháng qua một bộ phận đầu cơ, môi giới cùng các nhà phân phối đã tung nhiều chiêu tạo sốt đất ảo. Trong đó đáng kể là cơn sốt đất ảo vừa xảy ra ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Trong 5 ngày đầu tháng 10, giao dịch bất động sản ở xã Hòa Liên nở rộ, hàng chục ki-ốt bán đất được lập ra, người mua kẻ bán nhộn nhịp giống chợ Tết. Cơn sốt đất này là do có tin sẽ di dời 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc trên địa bàn sau khi Thanh tra TP công bố thông tin có sai phạm ở đây. Sau khi tung tin đồn, giới cò đất "thổi" giá lên cao, thậm chí lên gấp đôi.
Giá tăng từng giờ
Hết cơn sốt, giao dịch đất tại Hòa Liên nay đìu hiu vì không ai lai vãng.
Chị Lưu Thị Ngọc, nhân viên kinh doanh bất động sản, cho hay chỉ cần có tin đồn ảo thì giá đất đã tăng chóng mặt theo từng giờ. Sáng tung tin thì chiều bắt đầu sốt đất nên nếu người mua không đủ tỉnh táo, chuyên nghiệp thì rất dễ sập bẫy. Ở cơn sốt đất vừa qua tại Hòa Liên, chỉ trong vòng 5 ngày mà nhiều "cò đất" có thể ôm vài tỉ đến hàng chục tỉ đồng trong khi đó nhiều người mất trắng, đồng thời rất khó để giao dịch lô đất đã mua.
Anh Trương Quang Xuân, nhân viên kinh doanh bất động sản tại khu sinh thái Hòa Xuân, cho hay tin đồn thường xuất phát từ những "cò đất" để đẩy giá đất. Đó là một trong các chiêu thức tạo sốt đất rất nguy hiểm. Phần lớn các công ty bất động sản làm ăn lâu dài thì đều quảng bá cho sản phẩm của mình dựa trên cơ sở vật chất, hạ tầng, tiện ích đi kèm… thì mới bền. Tung tin đồn ảo có thể khiến giá đất tăng cao nhưng cũng khiến khách hàng e dè, từ đó giao dịch kém đi và giá đất bị đẩy xuống.
Không lừa được người có kinh nghiệm
Anh Đào Duy Tài, Giám đốc Marketing và PR Công ty CP Bất động sản Kim Phong (Đà Nẵng), cho biết việc sốt đất ảo nhìn về phía tích cực thì đã góp phần thúc đẩy thị trường sôi động. Thời gian qua, các dự án khác nằm ngoài khu vực sốt đất của TP cũng có giá tăng so trước đó khoảng từ 20% - 30%. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư thông minh, chuyện xảy ra sốt ảo thực chất cũng chỉ là trò vặt so với kinh nghiệm và kiến thức thị trường của họ.
Bình luận (0)