Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục diễn ra từ 14 giờ chiều nay 1-11 với những câu hỏi chất vấn về các vấn đề nóng dành cho các bộ trưởng, trưởng ngành "đăng đàn".
Thủ tướng: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng
Từ 15 giờ 50 đến 16 giờ 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn sự tín nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng cũng như các thành viên Chính phủ. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, dù tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có chung ý nghĩa thôi thúc Chính phủ trong việc thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ phát triển đất nước còn rất nhiều thách thức ở phía trước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chiều 1-11 - Ảnh: Ý Như
Thủ tướng cho biết, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Chúng ta đang tiếp tục hiện thực hóa mong ước bình dị nhưng vĩ đại này của Bác.
Chính vì vậy, sứ mệnh của chúng ta là phải phát triển không ngừng, phát triển bền vững sao cho đất nước trở nên tự lực, tự cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; người dân được tạo không gian để phát huy cao nhất năng lực và sức sáng tạo của mình; không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
"Đây cũng chính là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân"- Thủ tướng nói.
Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 thập niên kể từ khi Đổi mới là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm.
Quy mô nền kinh tế tăng gấp hơn 17,4 lần, từ 14 tỉ USD năm 1985 lên ước đạt 244 tỉ USD năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người năm 1985 chỉ đạt 230 USD nay đã tăng lên gần 2.540 USD (tính theo sức mua tương đương là gần 7.640 USD).
Khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam và các nước đã thu hẹp đáng kể. Nếu như vào đầu thập niên 90, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì nay chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần Việt Nam nay chỉ còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần thì nay còn khoảng 16 lần; Mỹ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần…
Theo Thủ tướng, như phát biểu của Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lễ nhậm chức: "Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, càng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế".
Do đó Thủ tướng đề nghị tất cả hãy cùng nhau tập trung sức lực, làm thật tốt những nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018 cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ này. Trong đó tập trung kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống. Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo NQ 24 của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng. Tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội và môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Nỗ lực hết sức nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn và hiệu quả, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và Quốc hội.
Thủ tướng cho biết tương lai phụ thuộc vào quyết tâm và hành động của chúng ta ngày hôm nay. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
"Tôi xin nêu một ví dụ: chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định... Nhân đây tôi đề nghị sửa lại Nghị định 96/2014/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng" - Thủ tướng nói.
Vì thời gian có hạn, không thể đề cập tất cả những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, chất vấn và phương án xử lý. "Tuy nhiên, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc lắng nghe, sẽ chỉ đạo, triển khai cụ thể và sẽ báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội tại những kỳ họp tới đây"- Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.
Thủ tướng cho biết: Có câu nói "một đàn chim muốn bay nhanh không chỉ do con chim đầu đàn quyết định mà còn phụ thuộc vào con chim cuối đàn".
"Nhưng tôi cũng xin chia sẻ thêm với các đại biểu: Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn"- Thủ tướng nói và cho rằng nếu tất cả 63 tỉnh, thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Việt Nam không còn tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) về quản lý thị trường vàng và giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết Chính phủ nhất quán trong việc giữ ổn định vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh; củng cố niềm tin người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thay vì nắm giữ vàng, ngoại tệ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: Ngọc Thắng/VNE
Theo thống đốc, lượng tiền gửi VNĐ khu vực dân cư tăng mạnh 3 năm qua, tiền gửi ngoại tệ giảm. Nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hoá sang đồng Việt Nam với minh chứng là dự trữ ngoại hối tăng mạnh và một phần trong số này đến từ việc chuyển hoá ngoại tệ từ nguồn lực trong dân.
"Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã không tốn ngoại tệ nhập khẩu vàng, thị trường vàng ổn định và không gây bất ổn vĩ mô. Điều này cho thấy những bước đi của Ngân hàng Nhà nước là đúng hướng, thời gian tới chúng tôi kiên định thực hiện các giải pháp này" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Giảm phiền hà khi sử dụng căn cước công dân
Đại biểu Trần Kim Yến chất vấn về những phiền toái trong giao dịch khi sử dụng căn cước công dân.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các quy định về quy trình, thời gian, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân có trong Thông tư số 07 năm 2016 và Nghị định số 137 năm 2015 của Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện thông tư, Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn giải quyết các vướng mắc để giảm phiền hà cho công dân, như việc cấp giấy xác nhận số CMND; giao cho cơ quan làm thủ tục cấp căn cước công dân có trách nhiệm xác minh nội dung thông tin cá nhân ghi trên sổ hộ khẩu chưa đúng với giấy tờ khác của công dân; giải quyết vướng mắc khi các giấy tờ của công dân không có ngày sinh, tháng sinh hoặc số CMND chưa đúng thì bổ sung...
Qua 3 năm thực hiện công tác cấp căn cước công dân, vẫn còn một số điểm cần phải điều chỉnh theo hướng cải cách hành chính, giảm phiền hà cho công dân. Tiếp thu ý kiến đại biểu, thời gian tới Bộ Công an sẽ sửa đổi thông tư số 07 và các thông tư hướng dẫn thực thi Luật Căn cước công dân trong quý I/2019. Trong quá trình sửa đổi thông tư, Bộ Công an sẽ điều chỉnh, bổ sung các nội dung liên quan đến cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân.
135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt tranh luận
Chốt lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói cho biết sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới cải tiến, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng cộng đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt ý kiến tranh luận.
Các thành viên Chính phủ trong đó có 19 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.
Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ, và trực tiếp trả lời câu hỏi của một số đại biểu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Bình luận (0)