Theo báo cáo Chính phủ, công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định. Đối với việc trồng rừng thay thế, tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ 1.844,54 ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án.
Trên cơ sở đó, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký với Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.
Với phương án trồng rừng này, đã được đẩy nhanh hơn 1 năm so với phương án được báo cáo lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6-2023). Đối với công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Chính phủ cho biết hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chưa nhận được báo cáo này.
Tuy nhiên, Bộ TN-MT với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Cũng liên quan đến nội dung này, theo báo cáo từ UBND tỉnh Bình Thuận lên Chính phủ, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.
Trong khi đó, từ việc rà soát hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhận thấy đơn vị này không đủ năng lực để tổ chức thực hiện 2 mô hình nêu trên. Do đó, ban quản lý dự án sẽ lựa chọn đơn vị khác để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tới nay đã thực hiện xong. Ngày 23-7, UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ NN-PTNT thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hiện đang hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.
Chính phủ cũng nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án hồ Ka Pét. Theo đó, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện xong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 9-2020. Tuy nhiên, do dự án phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 6 vừa qua nên chưa đủ cơ sở trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, dự án sau khi được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư phải tiến hành lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường theo biểu mẫu mới. Như vậy, phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án hồ Ka Pét có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.
Theo Chính phủ, việc này ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thời gian quyết định đầu tư dự án hồ Ka Pét.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 năm 2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 101 năm 2023.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha, tổng mức đầu tư là 874,089 tỉ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 519,927 tỉ đồng; ngân sách địa phương 354,162 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2019 - 2025.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!