. Phóng viên: Bộ trưởng có thể khái quát những điểm nổi bật trong hoạt động điều hành, chỉ đạo của Chính phủ đối với khối doanh nghiệp (DN) tư nhân?
Bộ trưởng MAI TIẾN DŨNG
- Bộ trưởng MAI TIẾN DŨNG: Một trong những điểm nổi bật là tạo cơ chế thu hút nguồn lực, nguồn vốn tư nhân. Trong khi vốn ngân sách nhà nước có hạn thì huy động vốn tư nhân rất quan trọng, vì tư nhân chiếm 40% GDP của cả nước, với trên 600.000 DN. Để kinh tế tư nhân phát triển cũng nhờ phát huy và giữ được kỷ cương, liêm chính trong hầu hết cơ quan công quyền. Một Chính phủ hành động, hướng tới người dân, hướng tới DN luôn là mục tiêu của Chính phủ và thời gian qua đã thể hiện rất hiệu quả.
Vừa qua, với tinh thần quyết liệt từ Chính phủ, cả nước đã cắt giảm hơn 6.000 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vượt hơn 36% chỉ tiêu, tiết kiệm hơn 11,6 triệu ngày công, tương đương khoảng hơn 5.400 tỉ đồng. Cắt được hơn 3.000 điều kiện kinh doanh, tiết kiệm khoảng 1.000 tỉ đồng... Tất cả phải cải cách vì yêu cầu của DN, của người dân và cải cách phải thực chất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng ở một số nơi việc cắt bỏ thủ tục vẫn cơ học, bỏ cái này nhưng lại sinh ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn khác cho nên vẫn phải kiểm tra. Hay một cấp vụ mà ban hành văn bản quy định cho cả nước phải thực hiện, như vậy là sai thẩm quyền. Cho nên, phải cải cách mạnh mẽ, làm liên tục, làm cương quyết, làm rắn. Làm rắn ở đây nghĩa là đi vào cụ thể. Như trường hợp 1 cái kẹo sô-cô-la mà 13 giấy phép. Ăn cái kẹo thế này thì đau hết cả răng! Hay nhiều nơi rất hình thức, công bố dịch vụ công cấp 3-4 nhưng hồ sơ vẫn "chạy bộ" về sở, giải quyết bao nhiêu hôm rồi mới đóng dấu mang đến để trả.
. Theo ông, nhà nước cần làm gì để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa?
- Về phát triển kinh tế tư nhân, hành lang pháp lý đã khá rõ. Cụ thể, trung ương có nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân và Quốc hội cũng ban hành những luật để phát triển kinh tế tư nhân. Lãnh đạo Đảng, nhà nước luôn xem kinh tế tư nhân là nền tảng quan trọng. Năm 2018, có hơn 131.000 DN mới thành lập nhưng số đóng cửa, tạm dừng, số khó khăn khi tiếp cận với đất đai, tín dụng… cũng cao. Cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh nhưng nếu chúng ta không có chính sách khuyến khích chuyển sang công ty thì cơ sở khó làm ăn lớn và nguồn thu thuế cũng hạn chế.
Chắc chắn trong thời gian tới đây, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo đi vào những quyết sách rất cụ thể để xây dựng nghị định hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp sáng tạo.
Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Ảnh: NGỌC DƯƠNG
. Như bộ trưởng vừa nói đến 5 triệu hộ kinh doanh, phải chăng họ không chịu "lớn" do thiếu niềm tin vào việc thực thi cơ chế, chính sách của cơ quan công quyền?
- Chúng ta có hành lang pháp lý và có chính sách nhưng là chưa đủ sức hấp dẫn cho 5 triệu hộ kinh doanh cá thể để họ chuyển sang DN. Việc thực thi của cán bộ, công chức là vấn đề quan trọng. Ví dụ, năm 2017, Thủ tướng ra chỉ thị yêu cầu chỉ được thanh tra, kiểm tra một lần mỗi năm nhưng thực tế các DN vẫn kêu ca, phàn nàn là vẫn bị nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Đúng là cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có câu chuyện về lòng tin.
. Ngân hàng Thế giới vừa có đánh giá tụt hạng chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, Chính phủ sẽ đề ra giải pháp gì cho năm 2019?
- Năm 2018, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng so với 2 năm trước. Trong 10 chỉ số thành phần thì có 6 chỉ số tăng điểm, 3 chỉ số giữ nguyên và 1 chỉ số giảm. Trong khi các nước cũng rất cải cách nhưng Việt Nam thì không bằng nên tụt điểm. Nguyên nhân là liên quan đến tiếp cận tín dụng, số lượng giải thể DN, phá sản DN, bảo vệ DN chưa được quan tâm đúng mức. DN vẫn phàn nàn rất nhiều.
Cho nên, sắp tới đây sẽ ban hành Nghị quyết 02 thay cho Nghị quyết 19 của các năm. Nghị quyết 02 rất quan tâm vấn đề thanh toán điện tử, dứt khoát phải làm bằng được. Phải ban hành được các chỉ số định lượng để so sánh.
Phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng năm 2019 phải bứt phá để về đích. Trước hết là vấn đề liên quan kỷ cương, liêm chính trong bộ máy công quyền là phải xuyên suốt. Vào thời gian cuối của nhiệm kỳ thì bứt phá rất quan trọng và do Văn phòng Chính phủ đã đề xuất. Bứt phá này rất rộng nhưng tựu trung lại là trong xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, mạnh mẽ trong phân cấp, phân quyền, rõ nghĩa, rõ trách nhiệm. Cụ thể như tiến hành sửa đổi một luật mất rất nhiều thời gian, nên sửa theo hướng cái gì vướng mắc nhất thì sửa trước, không dỡ tung ra, rất khó làm. Đột phá về cơ chế chính sách phải rất mạnh mẽ.
Bình luận (0)