Ngày 19-9, tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị các bộ, ngành, cơ quan trung ương góp ý cho các đề án chính quyền đô thị ở TP HCM. Đó là Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập TP Thủ Đức).
Tận dụng cơ hội
Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận đây là hội nghị quan trọng, mong muốn các đại biểu thảo luận sâu hơn về những mặt được và chưa được khi thực hiện các đề án; khuyến nghị cho TP HCM con đường đi tốt nhất và ngắn nhất để thực hiện các đề án gắn với các giải pháp mang tính căn cơ để TP HCM tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP, Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị đã được TP HCM ấp ủ từ năm 2007 và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung năm 2013. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ sở pháp lý chưa thật sự vững chắc và đầy đủ nên chưa thể triển khai thực hiện. Đến nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và đặc biệt là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020; Nghị quyết của trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc để TP HCM triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh hai đề án trên đã được Bộ Nội vụ và các bộ, ban, ngành trung ương cơ bản ủng hộ tại phiên họp ngày 11-9-2020. TP HCM quyết tâm, tận dụng cơ hội để hiện thực hóa mô hình chính quyền đô thị trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất.
Tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách
Trình bày Đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TP HCM, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết TP đề nghị không tổ chức HĐND quận, phường tại 19 quận, 259 phường trên địa bàn. Trường hợp thành lập TP thuộc TP HCM (trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành TP Thủ Đức) thì TP thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường tại 16 quận, 259 phường trên địa bàn (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 là 249 phường, giảm 10 phường). Thời gian thực hiện từ ngày 1-7-2021.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Liên quan đến đề án này, Chủ tịch UBND TP cho rằng TP đã có 7 năm (giai đoạn 2009-2016) thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Trong quá trình thí điểm, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm. Trong đó, điểm nhấn là đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước; không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân TP.
Theo Chủ tịch UBND TP, từ kết quả của quá trình thực hiện thí điểm, có thể đúc kết hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.
"Hạt nhân" thúc đẩy kinh tế
Đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 (trong đó bao gồm Đề án thành lập TP Thủ Đức), ông Huỳnh Thanh Nhân nói căn cứ Nghị quyết 653/2019 và Nghị quyết 1211/2016 của Quốc hội, trên địa bàn TP có 10/322 đơn vị hành chính cấp xã nằm trong diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Đồng thời, thực hiện chủ trương khuyến khích sắp xếp các đơn vị hành chính không thuộc diện, TP đã lồng ghép nội dung Đề án thành lập TP Thủ Đức vào đề án này. Trên cơ sở đó, đề xuất với trung ương sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của các quận 2, 9, Thủ Đức thành đơn vị hành chính cấp huyện mới là TP, có tên là TP Thủ Đức. Diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp là 211,56 km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định) và dân số là 1.013.795 người (đạt 675,86% so với tiêu chuẩn quy định). Số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc là 34 phường. Tổ chức chính quyền ở TP Thủ Đức và ở các phường trực thuộc là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp Quốc hội ban hành quy định khác.
Nói thêm về TP Thủ Đức, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định nơi đây sẽ đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa. Đồng thời, còn là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Khu vực này được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến, sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của cả nước.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng bản chất của thành phố Thủ Đức cũng chỉ ngang cấp huyện nhưng quy mô và mức độ đô thị cao hơn các quận và thị xã. Do đó, nếu TP HCM giữ quan điểm tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính này thì sẽ có độ vênh với Đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường. "Vấn đề này cần nghiên cứu, luận giải làm sao để khi đưa vào thực hiện, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau" - ông Trần Anh Tuấn lưu ý.
Sau phần trao đổi, góp ý của các bộ, ban, ngành trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Bộ Nội vụ sẽ cùng UBND TP HCM tổng hợp, hoàn thiện các đề án trình Chính phủ xem xét trong thời gian sớm nhất.
Phải giữ vững vai trò trung tâm
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết khi Quốc hội có nghị quyết thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị định để TP HCM triển khai thực hiện các đề án, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, bắt tay thực hiện từ tháng 7-2021. Thời gian từ đây đến thời điểm đó sẽ có rất nhiều việc cho cả TP và các bộ, ngành trung ương. "Việc lấy ý kiến cho 2 đề án là rất quan trọng để bảo đảm thống nhất các nội dung liên quan và hoàn chỉnh các thiếu sót với mục tiêu chung là giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất nước của TP HCM" - ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Vì sao TP HCM sáp nhập 3 quận?
Nói rõ hơn về lý do thành lập TP Thủ Đức, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm - thành viên Tổ biên soạn Đề án thành lập TP Thủ Đức - cho biết đây là địa bàn có thể thành lập một đô thị có tính chất toàn vẹn, chứ không phải như một bộ phận của đô thị tại các quận. "Chúng tôi hiểu rằng địa bàn rộng quá, quản lý sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, xu hướng là rộng quá thì phải tách ra. Vậy tại sao TP HCM lại sáp nhập? Bởi vì TP Thủ Đức sẽ không áp dụng phương pháp quản lý cơ học mà sẽ áp dụng nền tảng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và đổi mới. Cái quan trọng của việc cần sáp nhập là để phát triển nhanh hơn, tốt hơn với các lợi thế hiện có" - ông Lắm phân tích. Trước mắt, TP HCM phân loại TP Thủ Đức là đô thị loại I.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP nhìn nhận trung ương luôn khuyến khích TP HCM sáng tạo, đi đầu. TP HCM cũng đã đi đầu trong việc không tổ chức HĐND quận và phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019. Kể cả đề án thành lập TP trong TP, Hiến pháp và luật cho phép nhưng chưa ai làm thì TP cũng đi đầu. "Việc này cũng vì trách nhiệm đối với nhân dân TP và cũng là vì cả nước, cùng cả nước" - ông Lắm chia sẻ.
Bình luận (0)