Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội được nêu ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1-2018 như: tính toán lại giá xăng dầu, mô hình tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, việc sớm trao thưởng cho đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.
Phải quản lý tốt chất lượng
Trả lời nhóm câu hỏi về mặt hàng thiết yếu với đời sống là xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 1-11-2014 đã nhận được sự đánh giá tốt từ các cấp, ngành và người dân. Đáng lưu ý, tính công khai, minh bạch được bảo đảm. Thậm chí, vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên việc điều hành này có thể coi là "hình mẫu" để điều hành các mặt hàng trọng yếu khác. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, có thể phải rà soát lại, tiến tới sửa đổi. "Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là trong quý I/2018, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan khác trình Chính phủ xem xét liệu có sửa đổi Nghị định 83 hay không? Sửa đổi liên quan nội dung gì?" - ông Hải thông tin.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng đội ngũ quản lý thị trường phải quản lý tốt, tránh tình trạng xăng E5 không bảo đảm chất lượng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Liên quan đến thông tin người dân e ngại sử dụng xăng E5, ông Hải cho rằng điều này là "tất nhiên". Từ đó, đặt ra yêu cầu cần làm tốt hơn việc tuyên truyền để người dân hiểu công dụng của loại xăng này. Đồng thời, đội ngũ quản lý thị trường phải quản lý tốt, tránh tình trạng xăng E5 không bảo đảm chất lượng. "Hơn 1 tháng qua, sản lượng tiêu thụ xăng E5 tăng nhanh, nhiều nơi tăng gấp 3. Dần dần, khi người dân thích nghi, lượng sử dụng sẽ tăng nhiều" - Thứ trưởng Hải nói.
Về công bố giá cơ sở xăng RON 95, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đề xuất Chính phủ về việc có công bố giá mặt hàng này hay không. "Trước đây, chỉ công bố giá RON 92. Hiện nay, công bố giá xăng E5 trên cơ sở đây là loại xăng pha từ xăng RON 92 với 5% ethanol" - bà Mai lý giải.
Một nội dung khác cũng liên quan đến kinh tế là việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ Nghị quyết thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Các thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của ủy ban này trong quý II/2018.
Về mô hình của ủy ban này, ông Phương khẳng định sẽ khác với Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). "SCIC là mô hình quản lý kinh doanh vốn còn đây là quản lý tổng thể tất cả tài sản 5 triệu tỉ đồng. Đó là định chế bao trùm và sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng" - ông Phương nêu rõ thêm.
Nhắc các đơn vị sớm trao thưởng cho đội U23
Nội dung nhận được sự quan tâm rất lớn tại buổi họp báo là việc thưởng và chia thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam. Đặc biệt, có việc nhiều doanh nghiệp (DN) hứa thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam sau khi có thành tích xuất sắc tại vòng chung kết U23 châu Á nhưng đến nay vẫn chưa chuyển tiền.
Trả lời nhóm câu hỏi này, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho rằng việc chi tiền thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam phụ thuộc vào khả năng kinh phí của các tổ chức, cá nhân đã hứa trước đó. "Chúng tôi cho rằng chúng ta không nên vội, đợi kết quả chính thức từ các DN, cá nhân, tổ chức về việc chuyển tiền thưởng cho đội U23 Việt Nam vì thời gian cũng khá gấp gáp" - bà Thủy nói.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng những phần thưởng đã công bố, những đơn vị nào đã hứa "đã nói thì phải làm". "Chúng tôi yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhắc nhở các DN, tổ chức đã công bố thưởng cho đội tuyển U23 Việt Nam thì phải làm ngay" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Gấp rút làm rõ việc định giá AVG
Về câu hỏi việc công bố kết luận thanh tra AVG, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề này được sự quan tâm rất lớn của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, mà đứng đầu là Tổng Bí thư. "Việc này đã giao cho các cơ quan vào cuộc, làm rõ những vấn đề quan tâm. Đây là vấn đề rất khó và công việc đang được tiến hành. Tuy nhiên, việc thanh tra có chậm so với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng. Các cơ quan chức năng đang tích cực làm rõ việc định giá cũng như trách nhiệm của những người có liên quan" - ông Dũng thông báo.
Đã bàn đến việc tăng tuổi nghỉ hưu
Trong phần tóm tắt nội dung họp Chính phủ cùng ngày 2-2, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết phiên họp đã bàn đến phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Nhiều ý kiến khuyến nghị phương án nam 62, nữ 60 do liên quan đến các vấn đề về già hóa dân số, cân đối quỹ bảo hiểm, tuổi thọ.
Bình luận (0)