Mô hình chính quyền đô thị được TP HCM ấp ủ 13 năm qua với kỳ vọng tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và hiệu quả quản lý cho đô thị lớn nhất nước.
Nhanh và chính xác nhất
Sau 2 lần đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào năm 2007 và 2014 nhưng chưa được chấp thuận, sáng 16-11, Nghị quyết cho TP HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị không cần thí điểm đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, thực hiện từ ngày 1-7-2021.
Một trong những khu vực thuộc quận 9 và quận Thủ Đức, TP HCM hiện hữu.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo đó, chính quyền địa phương ở TP HCM là cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND TP. Chính quyền địa phương ở quận/phường là UBND quận/phường, không có HĐND. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện/TP/xã/thị trấn của TP HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ông Trương Văn Lắm - nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, người có nhiều năm tham gia xây dựng đề án chính quyền đô thị của TP HCM - cho biết việc không tổ chức HĐND ở quận/phường là 1 trong 3 nội dung trong đề án, có từ năm 2007. TP 2 lần trình trung ương nhưng thời điểm đó vướng một số quy định pháp lý nên chưa được chấp nhận. TP kiên trì theo đuổi đề án này vì địa phương có dân số, mật độ và quy mô kinh tế lớn nhất nước. Yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP phải đến chính quyền cơ sở, người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác nhất, hạn chế cấp trung gian.
Ông Trương Văn Lắm cũng cho biết khi đề án được triển khai, khu đô thị lõi trung tâm TP chỉ còn chính quyền cấp TP, có HĐND và UBND. UBND quận/phường sẽ là "cánh tay nối dài" của chính quyền TP phục vụ cho từng đơn vị của chính quận/phường đó. Còn ở địa bàn nông thôn có 3 cấp: cấp TP HCM, huyện, xã (có đủ HĐND và UBND). Cách tổ chức này phù hợp xu hướng hiện nay, đòi hỏi những quyết sách đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế; tinh gọn bộ máy, tạo sự quản lý hiệu quả của đô thị đặc biệt như TP HCM. Khi tổ chức chính quyền đô thị ở TP HCM, 316 đại biểu chuyên trách ở HĐND quận và phường phải tinh giản. Chủ tịch UBND TP có quyền bổ nhiệm, cách chức chủ tịch UBND quận mà không cần thông qua HĐND quận như hiện nay.
Dư nhiều cán bộ, công chức
Riêng TP Thủ Đức, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho hay sẽ được tổ chức là một cấp chính quyền có HĐND và UBND nhưng ở các phường chỉ có UBND mà không có HĐND. Điều này phù hợp với quy định hiện hành là chỉ cho phép quận/phường có thể không tổ chức HĐND, còn TP/thị xã/huyện phải có HĐND.
Theo tờ trình UBND TP vừa gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, TP Thủ Đức khi thành lập có tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) là 1.221 người. Dự kiến, TP sẽ bố trí trong các cơ quan, tổ chức, bộ máy là 822 người và dôi dư 399 người.
Trước đó, Sở Nội vụ TP đã tham mưu UBND TP phương án bố trí, sắp xếp chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ CB-CC-VC TP Thủ Đức sau khi sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Cụ thể, cơ quan Đảng năm 2021 là 128 người gồm: bí thư, phó bí thư, các trưởng ban (tuyên giáo, dân vận, tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, chánh văn phòng). Sau năm 2025, công chức và người lao động của khối này còn 92 người. UBND TP năm 2021 có 657 người gồm: chủ tịch, 3 phó chủ tịch và trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, nội vụ, tư pháp, tài chính - kế hoạch, tài nguyên - môi trường, lao động - thương binh và xã hội, văn hóa - thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế, quản lý đô thị, kinh tế, thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này còn 459 người.
Biên chế Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của TP Thủ Đức là 112 người gồm: chủ tịch Ủy ban MTTQ, chủ tịch LĐLĐ, bí thư Đoàn, chủ tịch các hội: LHPN, nông dân, cựu chiến binh. Sau năm 2025, nhân sự của khối này còn 76 người. Nhân sự các đơn vị sự nghiệp thuộc Thành ủy Thủ Đức (Trung tâm Bồi dưỡng chính trị và Nhà Thiếu nhi) năm 2021 là 39 người, sau năm 2025 là 30 người. Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Thủ Đức (các trung tâm: Thể dục thể thao, văn hóa, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên) năm 2021 có 246 người, sau năm 2025 còn 165 người.
Buộc phải tinh gọn
Đối với CB-CC-VC dôi dư (gồm cả người hoạt động không chuyên trách ở phường), TP HCM sẽ xem xét, bố trí, điều động về công tác tại các tổ chức, đơn vị thuộc quận hoặc sang quận, huyện khác và các sở, ngành của TP; thực hiện chính sách tinh giản biên chế, chế độ nghỉ hưu, giải quyết thôi việc; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm. Ngoài các giải pháp và thực hiện chế độ, chính sách nêu trên, CB-CC-VC dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường còn được hưởng các chính sách hỗ trợ của HĐND và UBND TP.
Theo ông Trương Văn Lắm, muốn cho một chính quyền tinh gọn, hiệu quả thì bắt buộc phải tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Giai đoạn ban đầu sẽ khó khăn, sẽ có CB-CC-VC rất tâm tư nhưng vẫn phải làm vì sự nghiệp chung của TP.
Bình luận (0)