Ngày 21-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh" của UBTVQH (sau đây gọi tắt là báo cáo giám sát).
Sai đâu, xử đó
Tại phiên họp, các đại biểu đã nêu nhiều bất cập trong triển khai thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Theo đó, ngư dân khó tiếp cận các khoản vay tín dụng; thủ tục còn rườm rà; chưa có cơ chế cho ngư dân tham gia lựa chọn nguyên vật liệu, máy móc trong quá trình thiết kế, thi công tàu cá. Việc sửa chữa những sự cố do lỗi kỹ thuật, bảo đảm chất lượng tàu cá đóng mới chưa kịp thời, gây thiệt hại cho ngư dân. Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến vụ việc tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 tại một số địa phương không bảo đảm chất lượng mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn cho biết bà không đồng tình khi vấn đề này được đánh giá rất mờ nhạt trong báo cáo giám sát. Đây là vấn đề lớn, được cử tri rất quan tâm, đã được thực hiện 3 năm, việc tổng kết thực hiện thế nào không chỉ ảnh hưởng đến các cử tri mà còn ảnh hưởng đến lòng tin với những chủ trương lớn. "Những kiến nghị của cử tri được Chính phủ tiếp thu, bố trí nguồn vốn nhanh chóng nhưng trong triển khai lại gây ra những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Đề nghị đoàn giám sát, bộ chủ quản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đánh giá sâu sắc hơn, thậm chí có riêng báo cáo đầy đủ về vấn đề này"- bà Hải đề nghị.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 3 việc đang tập trung giải quyết là sửa chữa các tàu bị hỏng; Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân xảy ra tình trạng này để xử lý theo đúng quy định pháp luật; ngành nông nghiệp hướng dẫn 27 tỉnh có tàu cá này thường xuyên rà soát. Bộ trưởng khẳng định sai đâu xử đấy và không vì một vài tàu hỏng mà ảnh hưởng đến cả một chính sách lớn của Đảng, nhà nước đối với ngư dân.
Bảo vệ tính mạng, tài sản ngư dân
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu kiến nghị nhà nước xây dựng thêm chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt hơn cho ngư dân thúc đẩy phát triển kinh tế biển, ra khơi bám biển. Nhất là cần quan tâm, xử lý nghiêm những hành vi gây phương hại, thiệt hại đến lợi ích của nhà nước và ngư dân.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: "Các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc nắm tình hình kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trên biển, tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân trên biển".
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh báo cáo giám sát, dự thảo nghị quyết xin ý kiến thành viên các UBTVQH trước khi trình Chủ tịch QH ký ban hành.
Cùng ngày, UBTVQH cũng bế mạc phiên họp thứ 14 sau 8 ngày làm việc. Dự kiến phiên họp thứ 15 UBTVQH sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 11 đến 13-10), xem xét nhiều nội dung quan trọng trước kỳ họp thứ tư của QH, dự kiến khai mạc ngày 20-10.
Bình luận (0)