Mỗi năm, TP HCM thu thêm từ tiền đóng học phí chỉ chừng 350 tỉ đồng - một số tiền không lớn so với mức chi của thành phố này nhưng lại khá lớn, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của nhà trường và đặc biệt là đối với khá nhiều gia đình nghèo.
Chưa có con số thống kê có bao nhiêu học sinh phải bỏ học ở bậc THCS vì hoàn cảnh gia đình trong cả nước nói chung và TP HCM nói riêng. Nhưng theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đang phát triển, hoàn cảnh và nhu cầu kinh tế gia đình là một số trong các nguyên nhân dẫn đến việc bỏ học sớm ở trẻ. Mỗi năm, hệ thống giáo dục ở Việt Nam có hơn 300.000 em không tiếp tục vào học THPT và cả học nghề, trong số đó tính cả số lưu ban, bỏ học và cả số đã hoàn thành THCS. Việc miễn giảm học phí cho các em học sinh THCS có thể là một yếu tố giúp các gia đình khó khăn về kinh tế cho con đến trường nhiều hơn.
Đã có những ý kiến lo ngại về việc giảm nguồn thu của trường thì sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động giáo dục trong trường và những hoạt động khác của nhà trường. Cũng đã có ý kiến lo ngại "khi túng thì người ta làm liều" và sẽ tận dụng mọi kẽ hở để lạm thu dưới nhiều hình thức khác nhau... Và có cả những lo ngại rằng với chính sách ưu tiên trong giáo dục về học phí, điều kiện phục vụ giáo dục ngày một tốt, việc làm và thu nhập cao hơn địa phương khác, TP HCM sẽ có thể trở thành một cực hút người lao động di dân từ các vùng miền kém phát triển hơn. Từ đây, TP HCM phải gánh thêm chi ngân sách cho giáo dục và y tế.
Lo ngại là có cơ sở song chúng ta tin rằng với sự sáng tạo, năng động và tiềm lực to lớn, những vấn đề trên có thể sẽ được giải quyết với lộ trình hợp lý.
Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể các địa phương khác, rất cần có quy hoạch phát triển giáo dục và nên có những chính sách tương tự như ở TP HCM. Điều đó cần thiết để làm hài hòa giữa đầu tư cho giáo dục và đầu tư phát triển, cũng như giảm thiểu nguy cơ di dân ồ ạt đến TP HCM.
TP HCM có tiềm lực kinh tế nhưng dân số mỗi năm tăng khoảng 1 triệu người (kể cả di dân cơ học) và đã đề ra mục tiêu cải thiện chất lượng giáo dục nên gánh nặng ngân sách chi cho giáo dục ngày một tăng, đòi hỏi chi ngân sách công phải hết sức tiết kiệm. Ngành giáo dục nên giảm bớt những hội họp, tiệc tùng, mua sắm không cần thiết; phong trào thi đua nặng về hình thức của sở, phòng và của các trường để dành ngân sách cho phát triển giáo dục.
Những khó khăn, thách thức trong việc thực thi một chính sách mới là đương nhiên nhưng một chính sách vì lợi ích của nhân dân trong ngắn hạn và dài hạn sẽ được nhân dân ủng hộ, chắc chắn thành công mà không phải bỏ cuộc giữa chừng.
Bình luận (0)