Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa giao các đơn vị liên quan có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép TP HCM được miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn.
TP HCM tiên phong
Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết trong ngày 12-9, UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Tài chính. "Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương miễn học phí cho học sinh bậc THCS trường công lập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018 nhưng vấn đề này còn đang nghiên cứu, chưa có văn bản quy phạm pháp luật chính thức" - bà Thu cho biết.
Việc làm này của UBND nhằm thực hiện chương trình phổ cập giáo dục của Chính phủ tại Nghị định 20/2014/NĐ-CP; đồng thời chăm lo tốt cho học sinh tại TP trong độ tuổi đến trường. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND TP sẽ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND TP thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Đời sống người dân vùng Tây Nguyên còn khó khăn nên học sinh cần được miễn học phí hoàn toàn Ảnh: CAO NGUYÊN
Còn Sở Tài chính TP HCM khẳng định nguồn kinh phí bù đắp cho phần miễn học phí này không quá lớn và sẽ được cân đối từ ngân sách TP. Hiện nay, TP thu học phí bậc THCS theo 2 mức. Nhóm 1 là 100.000 đồng/học sinh/tháng (áp dụng trên địa bàn 19 quận). Nhóm 2 là 85.000 đồng/học sinh/tháng (áp dụng trên địa bàn 5 huyện). Tổng số tiền thu học phí bậc THCS bình quân khoảng 350 tỉ đồng/năm.
Trước khi TP HCM có quyết định trên, giữa tháng 8-2018, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP. Theo đó, thống nhất chủ trương miễn học phí với trẻ mầm non, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập… Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Trước đó, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã bày tỏ quan điểm không thống nhất với quy định miễn học phí THCS mà Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) với lý do ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc cân đối kinh phí để thực hiện chính sách này là không khả thi. Trước những băn khoăn này, Bộ GD-ĐT cho biết theo tính toán, để miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập..., mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm khoảng 4.730 tỉ đồng. Nguồn kinh phí này được Bộ GD-ĐT tính toán cân đối trong 20% chi ngân sách cho GD-ĐT.
Học sinh nghèo chịu thiệt, tỉnh chờ "bố trí" kinh phí
Chia sẻ thêm về việc miễn học phí THCS, Bộ GD-ĐT cho rằng hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo) nên nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này thì rất khó huy động tất cả học sinh đến trường.
Theo các chuyên gia giáo dục, miễn giảm học phí là cần thiết nhưng lại quá phụ thuộc vào ngân sách của từng địa phương. Ngoài TP HCM - địa phương có nguồn thu ngân sách lớn - hầu như các tỉnh, thành khác chưa có động tĩnh gì. Lý do phần lớn các địa phương đưa ra là ngân sách eo hẹp. Từ đây diễn ra nghịch lý: Học sinh ở các địa phương có nguồn thu lớn, mức sống cao thì được miễn học phí, trong khi tại các tỉnh nghèo, đời sống người dân còn khó khăn lại không được hưởng chính sách này (!).
Đơn cử như ở Đắk Lắk, tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo còn cao nhưng chuyện miễn học phí còn quá xa vời. Bà Lò Thị Xuân (ngụ xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho biết gia đình bà luôn lo lắng với khoản học phí cho 3 đứa con đang học phổ thông. Bà nói: "Nếu nhà nước có chủ trương miễn toàn bộ học phí cho học sinh thì những hộ nghèo như chúng tôi sẽ bớt gánh nặng và có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn".
Ông Thái Văn Tài, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho rằng từ bậc mẫu giáo đến THCS là đối tượng giáo dục phổ cập, tức là được tạo điều kiện tối đa để cho các em được học tập. Đối với Đắk Lắk, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nếu miễn học phí thì càng đáng quý. "Tuy vậy, ngân sách của tỉnh đang phụ thuộc hoàn toàn vào trung ương, dù muốn thực hiện chủ trương này nhưng điều kiện chưa cho phép. Phải chờ tới khi chủ trương miễn học phí được đưa vào luật, lúc đó trung ương sẽ bố trí kinh phí và tỉnh mới thực hiện được" - ông Tài nói.
Ngành giáo dục không thiếu tiền
Theo số liệu từ Bộ GD-ĐT, hiện tổng ngân sách chi thường xuyên cho GD-ĐT theo nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6%-8%, tức tăng từ 10.000-13.000 tỉ đồng/năm (năm 2017 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 215.167 tỉ đồng, năm 2018 là 229.074 tỉ đồng). Số tiền này hoàn toàn có thể bù đắp kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí trường công lập diện phổ cập và hỗ trợ đóng học phí trường ngoài công lập là 4.730 tỉ đồng/năm. Ngoài ra vẫn còn số dự phòng ngân sách cho giáo dục hằng năm chưa sử dụng. "Nếu các địa phương cân đối ngân sách chi cho giáo dục, chính sách nhân văn này hoàn toàn thực hiện được" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.
Bình luận (0)