Nếu điều này trở thành sự thật thì sẽ là một cái kết có hậu cho người lao động (NLĐ), nhất là lao động nữ sau một thời gian dài sống trong hoang mang, lo lắng và mất niềm tin. Còn nhớ, khi lấy ý kiến sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 và dự thảo Luật BHXH năm 2014, tổ chức Công đoàn đã đề xuất không nâng tuổi hưu của NLĐ cũng như không giảm tỉ lệ hưởng lương hưu cho năm đóng BHXH từ thứ 16 của lao động nữ từ 3% giảm xuống 2% kể từ ngày 1-1-2018.
Nghịch lý nằm ở chỗ dù Bộ Luật Lao động chưa thông qua quy định kéo dài tuổi hưu của NLĐ nhưng với quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH thì NLĐ muốn được hưởng mức lương hưu tối đa 75% mặc nhiên phải kéo dài thời gian làm việc, thời gian đóng BHXH, với nữ là từ 25 năm lên 30 năm và với nam từ 30 năm lên 35 năm.
Bất hợp lý thứ hai bị phản ứng mạnh mẽ nhất là quy định giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ cho năm đóng BHXH thứ 16 trở đi từ 3% xuống 2% và thực hiện ngay lập tức từ ngày 1-1-2018 chứ không có lộ trình 5 năm như nam giới. Việc này dẫn đến tình trạng sau một đêm ngủ dậy, nhiều lao động nữ sẽ sốc khi thấy mình bị mất đến 10% lương hưu.
Trong xã hội phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, lao động nữ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi và chưa thực sự bình đẳng với nam giới trên nhiều lĩnh vực. Khi tham gia vào quan hệ lao động, phụ nữ tiếp tục bị thiệt thòi, chịu nhiều áp lực tâm lý hơn so với nam giới trong vấn đề việc làm, học hành, cơ hội thăng tiến, sức khỏe, năng suất lao động… Với lao động nữ, nhất là trong khu vực trực tiếp sản xuất, thời gian 25 năm làm việc, đóng BHXH đã là quá dài, quá mệt mỏi. Nay nếu kéo dài đến 30 năm, chắc chắn số người tham gia BHXH sẽ rơi rụng rất nhiều.
Chính vì thế, nhà nước đã có nhiều quy định riêng để bảo vệ lao động nữ như quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ thai sản, an toàn - vệ sinh lao động, tuổi nghỉ hưu… Những chính sách này tạo điều kiện để chị em tham gia làm việc, đóng góp cho xã hội; đồng thời chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái tốt hơn, cũng chính là góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, no ấm. Cho nên, có thể nói việc giảm lương hưu của lao động nữ đột ngột từ ngày 1-1-2018 đã đi ngược hoàn toàn với những chính sách chăm lo đã có trước đó.
Rất hoan nghênh Bộ LĐ-TB-XH đã nhận thấy trách nhiệm của mình. Hoan nghênh các đại biểu Quốc hội đã lên tiếng đề nghị xem xét tạm dừng thực hiện khoản 2, điều 56 Luật BHXH. Những ý kiến này thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, trong đó có CNVC-LĐ.
Hy vọng ngày 1-1-2018 sẽ là một ngày tươi sáng chứ không còn là ám ảnh đau buồn đối với hàng triệu phụ nữ Việt Nam.
Bình luận (0)