Sáng 2-6, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng lãnh đạo Sở Xây dựng, UBND TP Huế đã có buổi gặp mặt với các đại diện thuộc khu chung cư (KCC) Đống Đa, phường Phú Nhuận (TP Huế) liên quan đến xây dựng lại KCC đã xuống cấp này. Người dân KCC Đống Đa nói rằng đây là cuộc gặp "lịch sử" do họ đã chờ hơn 10 năm để bày tỏ những nỗi khổ của mình.
Sống trong nguy hiểm
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, KCC Đống Đa gồm 5 dãy nhà (A, B, C, D, E) từ 2-5 tầng với tổng diện tích sàn sử dụng 7.971 m2. Các dãy nhà được đưa vào sử dụng từ năm 1979 - 1988, thuộc công trình cấp 3 và hiện chỉ còn 219 căn hộ người dân được phép ở và kinh doanh ở tầng 1.
Dãy nhà A năm tầng nằm ở mặt đường Đống Đa, ngay ngã sáu Hùng Vương - vị trí đắt đỏ nhất ở TP Huế. Tuy nhiên, ngay ở nơi "ngon" nhất của TP Huế lại tồn tại một khu nhà "ổ chuột" đầy rêu mốc, xuống cấp trầm trọng. Mặt sau dãy nhà này dày đặc những mảng loang lổ, bong tróc, cỏ cây ký sinh um tùm.
Theo ông Vũ Hồng Phong, Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Thừa Thiên - Huế, báo cáo kết quả kiểm định cho thấy ngoài dãy nhà E cơ bản an toàn thì 4 dãy nhà còn lại đang trong tình trạng nguy hiểm. Cụ thể, dãy nhà A nguy hiểm cấp D, các kết cấu không còn khả năng chịu lực để đáp ứng nhu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể; khu nhà B, C nguy hiểm cấp C, kết cấu chịu lực không thể đáp ứng nhu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ. Ông Phong cho rằng cần phải xây dựng lại để bảo đảm an toàn. "Trước mắt, người dân không được kinh doanh ở những khu vực cảnh báo nguy hiểm, không được tự tháo các bức tường hiện trạng để mở thêm cửa hoặc thông phòng" - ông Phong nói.
Nhiều người dân ở KCC Đống Đa thừa nhận họ đang sống trong khu nhà "ổ chuột", nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Nhiều gia đình có đến 7 người chen chúc trong căn hộ chỉ 20 m2.
Khu nhà B đang trong tình trạng nguy hiểm cấp độ C
Tìm nhà đầu tư
Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã trình bày phương án xây dựng lại chung cư Đống Đa. Theo đó, các dãy nhà A, B và C nằm trong khu đất 8.600 m2 thuộc quy hoạch chi tiết trục đường Đống Đa - Lý Thường Kiệt (TP Huế) được phê duyệt từ năm 2009. Khu này được xây dựng nhà từ 7 - 21 tầng. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án, dự kiến triển khai từ năm 2020-2024. Người dân sẽ được hỗ trợ kinh phí tạm cư, vận chuyển khi dự án triển khai.
Ông Hùng nói rằng nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (TĐC) cho các chủ sở hữu căn hộ sẽ dựa theo TĐC tại chỗ, căn hộ cũ đổi căn hộ mới sau khi dự án hoàn thành hoặc sẽ được NĐT thanh toán bằng tiền. Người dân sẽ được bố trí TĐC từ tầng 2 đến tầng 4, NĐT được sử dụng tầng 1 làm khu vực kinh doanh, các tầng còn lại xây dựng căn hộ thương mại để thu lại vốn đầu tư. Diện tích các hộ đã cơi nới, lấn chiếm trái phép không được bồi thường, hỗ trợ về đất. Phương án bố trí TĐC phải bảo đảm hạn chế tối đa sự thay đổi chỗ ở về tầng cao và được bố trí theo hướng tịnh tiến chiều cao tầng, tính từ tầng ở đầu tiên trở lên. Các hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu căn hộ bị giải tỏa được bố trí TĐC hộ mới lớn hơn diện tích căn hộ bị giải tỏa, không nhỏ hơn 30 m2 sàn; không phải trả thêm tiền cho NĐT phần diện tích TĐC bằng 1,3 lần diện tích ở hợp pháp cũ. "Người dân chọn căn hộ mới diện tích lớn hơn thì phải trả tiền chênh lệch theo giá sàn xây dựng. Ngược lại, NĐT phải trả cho dân theo giá kinh doanh. Người dân nhận căn hộ mới chưa có tiền trả thì được cho ghi nợ hoặc giới thiệu ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi" - ông Hùng giải thích. Ngoài ra, các hộ ở tầng 1 KCC cũ có nhu cầu kinh doanh tại chung cư mới sẽ được xem xét cho thuê dài hạn, giá do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quy định.
Hầu hết người dân cơ bản đồng tình với chủ trương cải tạo chung cư Đống Đa nhằm bảo đảm an toàn, mỹ quan đô thị; đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thẩm định, chọn NĐT đủ tiềm lực kinh tế để dự án được triển khai nhanh, bảo đảm chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, tổ trưởng tổ dân phố chung cư Đống Đa, đề nghị UBND tỉnh giải thích rõ hơn về phương án cải tạo, các chính sách đền bù, hỗ trợ TĐC, cam kết dự án triển khai nhanh trong 2-3 năm, tránh tình trạng dự án kéo dài, NĐT bỏ đi, người dân sống khổ sở. Một số người khác đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nâng hệ số TĐC, giám sát chặt chẽ về chất lượng xây dựng và có thể đưa ra phương án người dân thỏa thuận với NĐT để họ nhận tiền đền bù đủ mua đất xây nhà chỗ khác.
Tỉnh giám sát, bảo đảm quyền lợi người dân
Trả lời người dân, ông Phan Thiên Định nói rằng sau hội nghị này sẽ có buổi gặp gỡ với tất cả người dân KCC Đống Đa với chính quyền, NĐT. Đồng thời, khẳng định chính quyền Thừa Thiên - Huế sẽ đứng ra tìm kiếm, kêu gọi và lựa chọn NĐT tốt nhất đối với dự án chứ không thu hồi đất. NĐT sẽ bỏ một khoản tiền lớn đầu tư dự án nên họ phải tính toán để có lợi nhuận. Tuy nhiên, lợi nhuận của họ cũng phải hài hòa với lợi ích người dân. Mọi quyền lợi do người dân tự thỏa thuận với NĐT và tự quyết, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ giám sát việc triển khai.
Bình luận (0)