Các chuyên gia, phụ huynh học sinh đã chỉ ra nhiều hạt sạn không đáng có trong tập sách này. Những câu chuyện kể cùng khá nhiều ngữ liệu trong sách cho thấy người viết SGK đã làm mất hẳn ý nghĩa câu chuyện, tạo sự liên tưởng sai cho trẻ em về sự vật, hiện tượng; nhiều chỗ sử dụng ngôn ngữ địa phương, gây khó hiểu; đưa những bài tập đọc thiếu tính giáo dục, thậm chí cổ xúy bạo lực...
Tại cuộc họp ở trụ sở Chính phủ vào chiều 12-10 về việc xử lý các ý kiến xoay quanh SGK Tiếng Việt lớp 1 mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho hay đã chỉ đạo Hội đồng Thẩm định SGK môn Tiếng Việt lớp 1 rà soát lại nội dung, báo cáo trước ngày 17-10.
Thực hiện công trình khoa học lớn và cực kỳ quan trọng như SGK đòi hỏi đội ngũ có chuyên môn vững vàng, tri thức sâu rộng, có quan điểm khoa học đúng đắn, vững vàng. Trong nghiên cứu khoa học, yêu cầu cao nhất bao giờ cũng là đúng và trúng. Tất nhiên có những điểm, những luận cứ hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai không còn phù hợp nữa hoặc chỉ đúng trong hoàn cảnh, thời điểm nào đó. Song với những điều đã được thực tế kiểm chứng, những giá trị sống trong đời thực của nhiều sách, nhất là SGK cho học sinh vỡ lòng, sách tập đọc tập chép từ hàng chục năm qua, thì nên tiếp thu và phát huy để hoàn thiện SGK theo hướng hay hơn, khoa học hơn, với những câu chuyện đẹp, ngôn từ đẹp, giáo dục lối sống, nhân cách cho các em ngay từ những ngày đầu đi học...
Thế nhưng, vào thời điểm đó, các thành viên biên soạn SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều lại không có ý thức cầu thị. Theo GS Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định SGK Tiếng Việt 1, hội đồng thẩm định đã khuyến cáo nhóm tác giả SGK nên thay ngữ liệu. Tuy nhiên, các tác giả vẫn bảo lưu quan điểm của mình và điều này đã được ghi vào biên bản thẩm định. Phải đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo, các vị này mới... nhận ra sai sót để sửa chữa. Bộ GD-ĐT tối 15-10 cho hay Hội đồng Thẩm định và tác giả đã thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà xuất bản và tác giả xây dựng phương án chỉnh sửa, hiệu đính, gửi hội đồng thẩm định để thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trước ngày 15-11.
Dư luận đang chờ xem tinh thần cầu thị của nhóm biên soạn SGK lần này sẽ thể hiện ra sao. Nhiều ý kiến đề nghị không chỉ sửa trong SGK này, mà còn sửa cả trong sách tham khảo nếu có những điểm không phù hợp với độ tuổi học sinh lớp 1. Tại buổi làm việc ngày 12-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Tất cả mọi ý kiến, góp ý của người dân, đặc biệt liên quan đến giáo dục, cần phải rất trân trọng. Trân trọng thực sự bằng tấm lòng và phải tiếp thu một cách rất khoa học".
Lúc này là lúc phải cầu thị với tinh thần khoa học với mục tiêu cao nhất là vì tương lai thế hệ con em chúng ta, dạy chữ dạy người qua những bộ sách có chữ nghĩa, hình ảnh trong sáng, những câu chuyện giáo dục đầy ý nghĩa tốt đẹp.
Bình luận (0)