Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã tìm ra nơi có chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên kém nhất TP HCM trên ứng dụng PamAir, đó là khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Lộc B và khu dân cư kề bên, thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến để tìm hiểu sự thật cũng như làm rõ nguyên nhân.
Hàng ngàn người dân hít thở trong ô nhiễm
Dọc đường Trần Hải Phụng, men theo kênh T17, chúng tôi đi sâu vào khu TĐC Vĩnh Lộc B, đường chưa trải nhựa, bụi tốc lên mù mịt mỗi khi có xe chạy qua. Ven kênh, nhiều đống rác do người dân xả bậy được đốt vội để phi tang. Bà Nguyễn Thị Lắm, dân cư sống tại khu vực này, bức xúc nói: Do bờ kênh còn vắng nhà nên người nơi khác cứ mang rác đến rồi đốt bậy, khi thì đốt phế liệu, vải; độc hơn là đốt dây điện để lấy đồng. Mỗi khi đốt, đám khói đen kịt len lỏi khắp khu dân cư, mùi rất khó chịu.
Khu TĐC Vĩnh Lộc B với hàng chục block nhà cùng khu dân cư kề bên với gần 100 hộ dân sinh sống đang từng ngày hứng chịu ô nhiễm không khí. Đáng lưu ý, trong khu TĐC này có đến 6 trường học, trong đó có 2 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 2 trường THCS với hàng ngàn học sinh đang theo học mỗi ngày. Đại diện Trường Mầm non Hoa Thiên Lý 2 cho biết phụ huynh cũng phản ánh về mùi hôi, mới đây khi họp với địa phương, họ đã phản ánh thực trạng này, mong sớm được giải quyết để trẻ nhỏ được hít thở không khí trong lành.
Khu vực 2 công ty tái chế nhựa hoạt động, khói và bụi mù mịt
Nói về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, anh Nguyễn Văn Đức - cư dân sinh sống ở khu vực trên - khẳng định là do các công ty tái chế nhựa nằm phía sau khu dân cư hoạt động gần 2 năm nay. "Cứ tầm 2 giờ sáng họ lại đốt, đến 6 giờ - 7 giờ thì ngưng, lúc đó người dân đã ngủ say, còn cơ quan chức năng không làm việc. Chỉ tội cho con nít, như con gái tôi 18 tháng tuổi bị sổ mũi, ho hen cả tháng nay chưa hết" - anh Đức bức xúc nói.
Theo quan sát của chúng tôi, các công ty tái chế nhựa mà anh Đức nêu nằm cặp bờ kênh T17, ngay phía sau khu dân cư, cách chừng 500 m. Tại đây, chúng tôi thật sự choáng bởi như lạc vào một nơi khác, mới 16 giờ nhưng toàn khu vực đều phủ bụi trắng như sương mù. Ở đây có 3 công ty, mỗi công ty được xây dựng bằng tôn, chắp vá, tạm bợ trên diện tích 1.000 - 1.500 m2. Toàn bộ nhà xưởng là nơi chứa bao ni-lông đã qua sử dụng, xe cần cẩu, máy móc để ó nhựa (bao ni-lông) ra thành từng mảnh nhỏ. Nước dùng để rửa bao ni-lông được hút từ dưới kênh đen lên. Sau khi ó nhựa ra thành mảnh nhỏ, để tránh hư lưới, những miếng nhựa còn dính trên lưới sẽ được đốt thành tro mịn. Chính công đoạn này gây ô nhiễm không khí, chưa kể lượng tro mịn được mang ra đổ dọc bờ kênh góp phần gây nên tình trạng bụi mù quanh khu vực này.
Lãnh đạo xã: "Không thể chấp nhận!"
Chiều 5-12, chúng tôi trở lại khu vực này khi chỉ số AQI tiếp tục ở mức ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhiều hộ dân vẫn sống trong tâm trạng bất an. Công ty tái chế nhựa vẫn hoạt động. Mang câu chuyện này đến gặp ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, ông khẳng định: "Không thể chấp nhận thực trạng này, bởi khi đến 2 công ty trên kiểm tra, chỉ đứng 15 phút nhưng ra về tôi đã thấy mệt mỏi, khó chịu".
Theo ông Thành, khu đất đó do ông N.V.K làm chủ đất, xây dựng nhà xưởng trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng và cho 3 công ty thuê, UBND xã đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về đất đai, buộc ông K. phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu đất, vận động 2 công ty di dời nhưng đến nay, ông K. vẫn chưa thực hiện. "Để chấm dứt thực trạng này, ngày 6-12, UBND xã Vĩnh Lộc B đã ra thông báo yêu cầu ông N.V.K chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đối với 2 công ty Phú Quý và Nguyễn Long. Ngoài ra, ông K. phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu đất. Nếu ông K. không chấp hành, UBND xã sẽ cưỡng chế di dời đối với 2 cơ sở trên theo quy định" - ông Thành khẳng định.
Núi bao ni-lông được công ty thu mua về tái chế
Theo tìm hiểu, 2 công ty đang hoạt động tái chế nhựa ở khu đất của ông K. là Công ty TNHH Sản xuất nhựa Phú Quý và Công ty TNHH Tái chế nhựa Nguyễn Long. Cả 2 đều có giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp vào năm 2018 nhưng không có hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định. Trước đây, 2 công ty này hoạt động với quy mô nhỏ, thủ công nhưng dần mở rộng, cơ giới hóa, quá trình hoạt động phát sinh ô nhiễm nên địa phương đưa vào danh sách vận động di dời khỏi khu dân cư năm 2019.
Bà Hồ Ngọc Hiếu, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh, cho biết không chỉ 2 công ty này, hiện đoàn liên ngành của huyện đang tổng rà soát, kiểm tra hàng loạt cơ sở sản xuất trên địa bàn, tập trung chủ yếu tại 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B với gần 80 cơ sở xen cài khu dân cư. Những cơ sở nào vi phạm đất đai sẽ buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của khu đất. Với những biện pháp này, bà Hiếu cho rằng kế hoạch di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư mới hy vọng thực hiện được.
PamAir được công nhận chuẩn quốc tế
PamAir là phần mềm được phát triển bởi Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D & L, với chức năng cung cấp thiết bị cảm biến để đo đạc, theo dõi chất lượng không khí tại nhiều vị trí của TP HCM.
Theo công ty này, sản phẩm "made in Vietnam" được công nhận chuẩn quốc tế, áp dụng các công nghệ hiện đại. Các điểm đo do cá nhân, tổ chức tự lắp đặt và đồng ý chia sẻ dữ liệu trên PamAir. Trước khi chia sẻ và hiển thị các dữ liệu từ các đơn vị, tổ chức, nguồn dữ liệu sẽ được đánh giá chất lượng trước khi công bố lên PamAir. Ngoài việc chia sẻ dữ liệu trên ứng dụng, công ty này sẽ thông báo những bất thường về không khí đến chính quyền địa phương.
Bình luận (0)