Chiều 24-9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã phát đi thông cáo báo chí về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Nhiều nhà thầu nước ngoài rớt từ sơ tuyển
Bộ GTVT cho biết thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT nhận thức rất rõ đây là dự án trọng điểm của quốc gia, có vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Căn cứ những quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt Luật Đấu thầu (điều 15), đối với 8 dự án thành phần được Quốc hội phê duyệt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thời gian qua, Bộ GTVT đã tiến hành sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Tính đến cuối tháng 7-2019, bên mời thầu (các ban quản lý dự án của Bộ GTVT) đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Theo kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.
Đoạn La Sơn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sẽ được xây dựng thành đường cao tốc Ảnh: Uông Việt Dũng
Bộ GTVT cho rằng nhằm triển khai thành công dự án trọng điểm của quốc gia trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc biệt để phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đầu tư dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng; sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật Đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Quyết định đúng đắn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau khi Bộ GTVT chọn hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận đây là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng lẽ ra Bộ GTVT nên có quyết định này ngay từ đầu hoặc khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ GTVT điều chỉnh lại các quy định về đấu thầu để cho DN trong nước tham gia.
"Nếu làm được điều này ngay từ tháng 5-2019 thì hay hơn nhiều so với việc đến giờ mới hủy sơ tuyển quốc tế. Đây là điều đáng tiếc khi các nhà thầu quốc tế đã nộp đơn tham gia. Dù phù hợp với chính sách trong nước nhưng với quốc tế, đây là điều không hay khi chúng ta thất tín với nhà thầu nước ngoài" - bà Lan nói.
Đối với nhà thầu trong nước, chuyên gia - nguyên thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận xét do thời gian quá ngắn, họ không thể chuẩn bị kịp hồ sơ, tài chính, liên danh, liên kết để tham gia thầu. "Bây giờ, chọn đấu thầu trong nước, Bộ GTVT cần cho DN có đủ thời gian để chuẩn bị. Quốc hội cũng nên chấp nhận dự án này có thể chậm tiến độ vài năm so với kế hoạch ban đầu, miễn là được triển khai đàng hoàng, đạt chất lượng và hiệu quả. Đây là minh chứng cho một quyết định đúng đắn là những việc như thế này nên giao cho DN trong nước làm, để DN Việt lớn mạnh, có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của đất nước" - chuyên gia Phạm Chi Lan đề xuất.
Đối với Bộ GTVT, bà Lan đề nghị quy định chặt chẽ tiêu chí đấu thấu nhằm ngăn chặn DN nước ngoài "gắn mác" DN trong nước để trúng thầu như một số dự án ở một số lĩnh vực đã xảy ra. Việc đấu thầu này phải phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó phải tránh những đầu tư ảo, đầu tư mượn danh của bên ngoài. "Tất nhiên DN có quyền liên danh, liên kết với DN nước ngoài nhưng phải bảo đảm về an ninh, quốc phòng…" - chuyên gia Phạm Chi Lan cảnh báo.
Tạo tiền lệ tốt
Chuyên gia Phạm Chi Lan khuyến cáo cơ quan quản lý cần tránh những bài học xấu đã xảy ra khi làm những dự án BOT trước đây, như không minh bạch, móc ngoặc giữa các đơn vị liên quan nhằm nâng giá dự án để kéo dài thời gian thu phí; hay đặt trạm BOT không đúng chỗ. Những điều mà xã hội bức xúc lâu nay về BOT cần phải tránh triệt để, tạo tiền lệ tốt cho những dự án sau này.
Bình luận (0)