Liên quan đến vụ việc sáng 2-7, hàng chục người dân đã ra khu vực trạm thu phí BOT Ea Kar (trên Quốc lộ 26) chặn xe, gây mất an ninh trật tự, phóng viên đã về xã Ea Đar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) để tìm hiểu bản chất vụ việc.
Chờ 1 lời hứa suốt… 3 năm!
Năm 2016 và 2017, các đơn vị thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 26 đoạn qua xã Ea Đar để thu phí do sử dụng các loại máy móc hạng nặng, tạo ra rung chấn lớn nên làm hư hỏng nhà cửa người dân. Theo phản ánh của người dân, mức độ thiệt hại ước tính từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng mỗi hộ nhưng chủ đầu tư không nhận trách nhiệm bồi thường mà chỉ hỗ trợ mỗi gia đình từ 3 đến 5 triệu đồng.
Người dân ra Quốc lộ 26 chặn xe vào sáng 2-7
Ông Phan Anh (ngụ thôn Hữu Nghị) cho biết vào năm 2017, trong quá trình thi công đoạn đường trước nhà, đơn vị thi công đã sử dụng máy lu đầm hạng nặng khiến nhà cửa chấn động, rung lắc rất đáng sợ. Mỗi lần như thế, gia đình ông phải ra khỏi nhà để đảm bảo tính mạng. "Nhà cửa nứt toác khắp nơi, cứ mỗi lần mưa là nước chảy vào nhà. Ước tính thiệt hại khoảng 50 triệu đồng nhưng chủ đầu tư nói chỉ hỗ trợ 5 triệu đồng" - ông Phan Anh nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Bình Hưởng (ngụ thôn 7) cho rằng quá trình nâng cấp Quốc lộ 26 để thu phí BOT, tường nhà ông bị rạn nứt, xé toạc nhiều chỗ. Khổ nhất là trời mưa, nước ào ào chảy vào nhà. Vợ chồng ông phải dùng hàng loạt xô chậu để hứng, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh phân bón, gạo.
Nhà cửa của người dân bị hư hỏng
Cạnh đó, ông Lương Văn Nghĩa có ngôi nhà kiên cố được xây dựng hơn 700 triệu đồng. Thế nhưng trong quá trình nâng cấp Quốc lộ 26, nhà ông Nghĩa bị hư hỏng nặng nề. Ông đã phải thay lại mái nhà, còn các đường nứt thì chỉ biết để vậy hoặc trám xi-măng, quét vôi lên. "Chúng tôi luôn tin tưởng, ủng hộ để họ hoàn thành công trình, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế, nhà tôi bị thiệt hại cả trăm triệu đồng nhưng chỉ yêu cầu bồi thường vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, họ nói có 5 triệu đồng, không lấy thì thôi"- ông Nghĩa bức xúc nói.
Trước tình trạng trên, từ năm 2016, người dân yêu cầu các đơn vị thi công đánh giá thiệt hại nhà cửa và có bồi thường thỏa đáng. Tháng 3-2017, UBND xã Ea Đar đã mời người dân cùng đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cico 501 BOT 26 đến làm việc.
Người dân bức xúc khi chủ đầu tư không bồi thường hư hỏng nhà cửa
Tại đây, đại diện chủ đầu tư ký cam kết cùng các đơn vị có chức năng giám định thiệt hại, bồi thường cho người dân. Còn người dân phải cam kết không được cản trở thi công. "Tin tưởng vào cam kết này, người dân đã để cho các đơn vị thi công hoàn thành công trình. Tuy nhiên, sau khi thi công xong, rồi đến khi thu phí, chủ đầu tư vẫn không chịu bồi thường" - ông Phan Anh bức xúc nói.
Thiếu trách nhiệm với người dân
Đại diện trạm thu phí BOT Ea Kar cho rằng trách nhiệm hỗ trợ hay đền bù việc hư hại các công trình xảy ra trong quá trình thi công là thuộc về đơn vị thi công. Doanh nghiệp đã gửi công văn nhiều lần đến các đơn vị thi công yêu cầu xử lý các vấn đề này nhưng hiện nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. Hiện Công ty TNHH MTV Cico 501 BOT 26 đang phối hợp với chính quyền, công an lên kế hoạch giải quyết, yêu cầu các cá nhân không tham gia gây rối an ninh trật tự, vi phạm quy định pháp luật.
Người dân chờ đợi bồi thường nhiều năm qua
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Huấn, Chủ tịch UBND xã Ea Đar khẳng định trách nhiệm là của chủ đầu tư.
Theo ông Huấn, sau khi gây hư hỏng nhà cửa, năm 2017, các hộ dân đã có đơn lên chính quyền, chủ đầu tư có thuê đơn vị tư vấn độc lập để xác định thiệt hại. Thấy vậy, người dân chờ đợi kết quả giám định nhưng chờ mãi không thấy. Đến khi công trình chuẩn bị hoàn thành, một số hộ dân cũng ra yêu cầu hỗ trợ, bồi thường cho dân trước mới được thảm nhựa. Lúc đó, chính quyền cũng động viên nhân dân tạo điều kiện để công trình hoàn thành đúng tiến độ. Chủ đầu tư cũng cam kết trước chính quyền địa phương, trước nhân dân bồi thường cho nhân dân.
Dùng xô hứng nước mưa do nhà cửa nứt toác
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Ea Đar, đến cuối năm 2019, nhân dân thấy chủ đầu tư đã được thu phí và thời gian cũng quá lâu nhưng không bồi thường nên tiếp tục gửi đơn, kiến nghị. UBND xã và UBND huyện cũng rất nhiều lần mời chủ đầu tư, trạm BOT lên yêu cầu họ phải có trách nhiệm với nhân dân. Cách đây khoảng 3 tháng, họ mới lập tổ đến các hộ gia đình thỏa thuận được một số hộ, còn trên 20 hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
Trả lời câu hỏi chủ đầu tư cho rằng trách nhiệm là của các đơn vị thi công, ông Huấn khẳng định quan điểm như vậy là sai. Ngày 26-5 vừa qua, đại diện chủ đầu tư cũng đổ lỗi cho các đơn vị thi công. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Xây dựng, khẳng định đây là trách nhiệm của chủ đầu tư chứ không phải của đơn vị thi công.
Chủ tịch UBND xã Ea Đar khẳng định trách nhiệm bồi thường của chủ đầu tư
"Chúng tôi khẳng định, không có việc các đối tượng xấu kích động, lôi kéo mà người dân rất ủng hộ. Phải khẳng định chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc bồi thường, hỗ trợ gây ra bức xúc cho người dân. Một hộ nông dân, xây được cái nhà đang ở giờ bị nứt toác, dột nát, chủ đầu tư thì hứa lên hứa xuống 3,4 năm nay rồi nên dân rất bức xúc" – ông Huấn nói.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 được đầu tư theo hình thức BOT do Công ty CP đầu tư và xây dựng 501 (CICO 501) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 800 tỉ đồng.
Năm 2017, chủ đầu tư chỉ mới cải tạo nâng cấp Quốc lộ 26 qua Đắk Lắk dài khoảng 8 km, đoạn qua Khánh Hòa khoảng 11 km rồi lập 2 trạm thu nên bị người dân phản đối. Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư nâng cấp thêm đoạn qua Đắk Lắk được 28,5km, qua Khánh Hòa khoảng 19km.
Bình luận (0)