Bí quyết giúp Chủ tịch Trương Gia Bình lèo lái Tập đoàn FPT đi qua nhiều khó khăn, đặt chân đến nhiều mốc thành công lịch sử là ứng biến nhanh trong điều kiện bất định và tập hợp sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể.
Thành công giữa bão giông
Đại dịch COVID-19 ập đến và để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực với kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, cơn bão lớn không thể đánh gục tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam; thậm chí người đứng đầu FPT còn nhận thấy "trong nguy có cơ" để nhanh nhạy tận dụng cơ hội. "Đại dịch không làm FPT yếu đi mà ngược lại, chúng tôi vượt "bão" và mạnh mẽ hơn" - Chủ tịch Trương Gia Bình tự hào.
Chủ tịch FPT xác định COVID-19 không chỉ là dịch bệnh mà còn là một loại "giặc". Bởi vậy, ngay khi dịch bùng phát, với sự kiên định và kiên cường của người dẫn đầu, ông Trương Gia Bình đã gửi thông điệp cho toàn tập đoàn nhằm kích hoạt chiến lược "Chuyển 10" trong nội bộ. Bản thân ông cũng chuyển từ tâm thế của nhà quản trị sang tâm thế của người chỉ huy trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Nói về những nội dung trong chiến lược "Chuyển 10", ông Trương Gia Bình nhấn mạnh quan trọng nhất là chuyển từ bảo vệ sức khỏe sang bảo vệ tính mạng cho tất cả nhân viên, tổ chức làm việc tại nhà để bảo đảm công việc không bị gián đoạn. Nhờ vậy, 1.700 dự án trên phạm vi toàn cầu của FPT được vận hành liên tục, không xảy ra bất cứ sự cố nào.
FPT còn gây ấn tượng khi chuyển từ chế độ "thời bình" sang "thời chiến" với công cụ bản đồ OKR có khả năng hội tụ nhất quán để triển khai công việc; phản ứng nhanh nhạy trước mọi biến động; quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn thông qua đẩy mạnh thu hồi công nợ, xử lý hàng tồn, cắt giảm chi phí; quán triệt mỗi người làm việc bằng hai và từng cá nhân, nhất là đội ngũ lãnh đạo, chấp nhận giảm thu nhập để san sẻ gánh nặng.
Đặc biệt, tập đoàn tập trung giải quyết nhu cầu thiết yếu cho những công ty có khả năng chi trả; nắm bắt cơ hội vô cùng to lớn từ thị trường Ấn Độ, Trung Quốc để mở rộng khách hàng; không để nhân viên nào mất việc; tranh thủ tuyển nhân tài, nâng cao chất lượng, hoàn thiện đội ngũ cung cấp giải pháp, dịch vụ...
"Trong những chiến lược tôi đưa ra, quan trọng nhất là phải tập hợp được sự đoàn kết, đồng lòng, đặt lợi ích của tập đoàn lên trên lợi ích cá nhân. Đây không phải lần đầu chúng tôi áp dụng nghệ thuật này. Không ít thời điểm sóng gió khác, ví dụ năm 2018 khi chúng tôi bắt đầu xuất khẩu phần mềm hay giai đoạn năm 2008 khi xảy ra suy thoái kinh tế, chúng tôi đều thành công ngoài mong đợi nhờ đoàn kết" - Chủ tịch Trương Gia Bình tự tin.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT
Chiến lược "săn cá voi"
Ông Trương Gia Bình kể FPT từng đi qua nhiều giai đoạn bất ổn. Có thời điểm tập đoàn "dốc túi" mở công ty ở Ấn Độ, Mỹ mà không có nguồn thu nhưng tập đoàn vẫn kiên định với chiến lược "săn cá voi" trong hầu hết mọi thời kỳ phát triển. "FPT đã làm được điều bất ngờ trong đại dịch COVID-19 khi doanh thu từ nước ngoài năm 2021 đạt 1 tỉ USD. Riêng doanh thu mảng công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài là 650 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020. Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2030, doanh thu mỗi hợp đồng ngoại quốc là 1 tỉ USD" - người đứng đầu FPT nói.
Trong giai đoạn 2022-2024, tập đoàn chú trọng tăng trưởng lợi nhuận, năng suất và đổi mới, từ đó hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp (DN) số trong tốp 50 công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. FPT sẽ kiên trì định hướng "vận hành dựa trên dữ liệu - khách hàng làm trung tâm" với mong muốn trở thành đồng minh tin cậy của các DN, tổ chức; đem lại những trải nghiệm số xuất sắc thông qua quản trị, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực.
Đặc biệt, để tiếp tục theo đuổi chiến lược "săn cá voi", trong giai đoạn tới, FPT tập trung khai thác những khách hàng có quy mô doanh số lớn. Để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào, FPT ưu tiên phát triển nguồn nhân lực không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số thị trường trung tâm các khu vực, như: Ấn Độ, Philippines, Slovakia, Czech, Canada, Costa Rica, Colombia, Nhật Bản..., từ đó đưa FPT trở thành đối tác chiến lược trong hành trình chuyển đổi số của những khách hàng triệu đô trên toàn cầu.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình (thứ 2 từ phải qua) trong buổi gặp CEO Apple Tim CookẢnh: PHẠM ĐÌNH
Đi cùng chuyển đổi số quốc gia
Không chỉ đặt tâm huyết vào "đứa con tinh thần" FPT, doanh nhân Trương Gia Bình còn nhiệt huyết đi cùng chiến lược chuyển đổi số quốc gia. "Chúng ta đều hiểu chuyển đổi số cần làm đồng bộ từ 4 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng và thành phố thông minh. Riêng FPT đưa ra 3 phương thức khác để hỗ trợ chuyển đổi số, gồm: truyền thông để luôn giữ lửa chuyển đổi số, đào tạo ở quy mô lớn cho hàng triệu người ở các địa phương và dựa vào lực lượng thanh niên xung kích trong chuyển đổi số" - ông Bình cho hay.
Theo thủ lĩnh FPT, chuyển đổi số gắn với chiến lược rất cụ thể của từng địa phương cùng những ưu tiên trọng điểm khác nhau. Hiện FPT đồng hành với 40 tỉnh, thành chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; thúc đẩy tăng trưởng GRDP; cải thiện mạnh mẽ chỉ số cạnh tranh, mức độ hài lòng của người dân, chỉ số về chuyển đổi số và năng lực đổi mới, sáng tạo của địa phương. Để đạt mục tiêu đó, FPT và các địa phương thực hiện nhiều chương trình lớn, như: truyền thông và tổ chức sự kiện; kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế; đào tạo, tập huấn nhằm chuyển đổi nhận thức, phát triển kỹ năng sử dụng công nghệ số cho lãnh đạo, viên chức nhà nước, DN và người dân...
Đối với DN vừa và nhỏ, FPT phát triển và mở rộng giải pháp "Made by FPT" kết hợp với nền tảng quản trị Base.vn tạo ra một nền tảng quản trị duy nhất "tất cả trong một". Với nhóm khách hàng DN lớn, tập đoàn tập trung cung cấp hệ thống công nghệ nền tảng hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và quản trị như ERP, CRM, HRM... tích hợp ứng dụng, giải pháp chuyên sâu, điện toán đám mây. Đối với xử lý các vấn đề xã hội, FPT đưa ra giải pháp về y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, qua đó đem lại những trải nghiệm số đặc biệt.
Bình luận (0)