Ngày 8-3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì cuộc làm việc với Sở Xây dựng về kế hoạch thực hiện và giao nhiệm vụ năm 2022. Tại buổi làm việc, vấn đề nhà ở xã hội (NƠXH), cải tạo chung cư cũ được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và đưa ra hàng loạt chỉ đạo cùng giải pháp để đẩy nhanh.
Hàng loạt nút thắt cần gỡ
Theo Sở Xây dựng TP HCM, giai đoạn 2016-2020, thành phố đặt mục tiêu xây dựng hơn 2,2 triệu m2 diện tích sàn xây dựng NƠXH nhưng thành phố chỉ phát triển được hơn 1,2 triệu m2 sàn, đạt 56%. Kế đến, mục tiêu năm 2021 là phát triển thêm 6,6 triệu m2 diện tích sàn nhà ở nhưng chỉ đạt 4,5 triệu m2. Theo đó, mục tiêu năm 2022 là tiếp tục phát triển 6,6 triệu m2 sàn nhà ở.
Để đạt được mục tiêu trên, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP, kiến nghị UBND TP HCM thành lập tổ công tác để tập trung chỉ đạo xem xét, tháo gỡ vướng mắc đối với 18 dự án có thể triển khai trong năm 2022. Trong đó, gồm 6 dự án chung cư cũ, 2 dự án nhà lưu trú công nhân, 4 dự án NƠXH độc lập và 6 dự án NƠXH thuộc 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại, với quy mô gần 14.000 căn hộ, trong đó hơn 9.000 căn NƠXH.
Kế đến, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP HCM xem xét, giải quyết kiến nghị về tình hình thực hiện nghĩa vụ dành 20% diện tích đất trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha để xây dựng NƠXH. "Nếu sử dụng 20% quỹ đất tại 33 dự án nhà ở thương mại thì thành phố có thêm khoảng 70.000 căn hộ NƠXH. Trong số này, có 14 dự án với quy mô khoảng 15.000 căn hộ có thể triển khai năm 2022" - Sở Xây dựng tính toán. Từ đó, sở này kiến nghị khi có tổ công tác thì tổ này nên họp hằng tuần hoặc 2 tuần một lần để giải quyết khó khăn cho từng dự án.
Ngoài ra, theo ông Trần Hoàng Quân, một trong những vướng mắc khi phát triển NƠXH là thời gian làm thủ tục dài, gấp đôi dự án nhà ở thương mại. Ông dẫn chứng: Khi thực hiện thủ tục cho các dự án NƠXH trong quỹ đất 20% tại các dự án thương mại, mặc dù không tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp nhưng Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn phải tham mưu cho UBND TP HCM tính được giá trị này, sau đó mới có quyết định không thu tiền sử dụng đất. "Quy trình đi rất lâu. Do vậy, kiến nghị tổ công tác của thành phố giải quyết việc này để các sở - ngành rút ngắn thời gian thực hiện các dự án NƠXH" - ông Trần Hoàng Quân đề xuất.
Về phía Sở Xây dựng TP HCM, ông Trần Hoàng Quân cho hay trong tuần này, đơn vị tư vấn sẽ làm việc với Sở Xây dựng về việc nghiên cứu xây dựng đề án, cơ chế, giải pháp và tổ chức thực hiện để khuyến khích và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho người lao động, người thu nhập thấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, bao gồm 5 nhóm nhà là NƠXH - nhà lưu trú công nhân - nhà trọ - nhà ở phục vụ tái định cư cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Không nhân nhượng được nữa!
Về việc rà soát 33 dự án nhà ở thương mại có 20% quỹ đất làm NƠXH, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng bắt tay kiểm tra ngay việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và các việc liên quan để giải quyết rốt ráo. "Dự án NƠXH nào chủ đầu tư không thực hiện thì bàn giao lại, nhà nước sẽ trả lại tiền bồi thường. Phải nói là chúng ta đã dễ dãi nên mới có chuyện doanh nghiệp thoải mái làm dự án thương mại rồi bán hàng nhưng chưa làm NƠXH. Không có quy định nào cho làm NƠXH sau nhà ở thương mại. Vì vậy, chúng ta siết lại bằng cách nếu chủ đầu tư không làm dự án NƠXH thì không cấp giấy phép" - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.
Nói đi thì phải nói lại, ông Lê Hòa Bình cho rằng nhiều nhà đầu tư nói với ông rằng khi làm nhà ở thương mại xong quay lại làm thủ tục lần 2 cho NƠXH mà kéo dài tới 3 năm nên thôi không làm nữa. "Thủ tục kéo dài thêm 3 năm thì lợi nhuận 10% không đủ. Vì vậy, cần có giải pháp rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án NƠXH" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM yêu cầu.
Sốt ruột với tình hình phát triển nhà ở của thành phố, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh ông sẽ làm tổ trưởng tổ công tác và 2 tuần họp một lần nhằm lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc với mục đích trong năm 2022 có nhiều dự án xây mới chung cư cũ, NƠXH được triển khai, góp phần giải quyết nhu cầu chỗ ở cho người dân. "Dịp lễ 30-4 này, phải khởi công cho được 2 chung cư cũ. Sở Xây dựng phải tìm kiếm thêm các dự án xây dựng khu lưu trú công nhân vì chỉ 2 dự án trong năm nay là ít. Đồng thời, phải rà soát kỹ 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây NƠXH. Những việc khó, "xương xẩu" thì phải tập trung giải quyết. Tôi sẽ làm tổ trưởng để triển khai các đầu việc mà Sở Xây dựng đề xuất" - Chủ tịch UBND TP HCM nhắc lại.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 có 1 triệu căn hộ giá rẻ. Vì vậy, ngay bây giờ, cần xây dựng khung chính sách, lộ trình thực hiện để đến năm 2025 phải đạt được một nửa số lượng. "Phát triển nhà ở là nội dung rất quan trọng về kinh tế - xã hội, là thành phần quan trọng trong chiến lược phục hồi, phát triển kinh tế thành phố. Do đó, chúng ta cần đưa ra ý kiến để thống nhất với quyết tâm cao, tinh thần khẩn trương để hoàn thiện chính sách và đẩy nhanh tiến độ các công việc trong thời gian tới" - Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu rõ.
2 chung cư cũ sắp khởi công ở đâu?
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình, thành phố có 14 dự án chung cư cũ cấp D (nguy hiểm) được kiểm định chất lượng giai đoạn 2016-2020 nhưng nhiều năm qua vẫn chưa khởi công được dự án xây mới chung cư cũ nào. Do đó, phải quyết liệt gỡ khó để triển khai thực hiện.
Cụ thể, dịp lễ 30-4 năm nay, TP HCM sẽ khởi công cải tạo 2 chung cư cũ cấp D gồm chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1) và chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình - chung cư cũ cấp D được kiểm định chất lượng giai đoạn 2011-2015). Trong đó, chung cư 23 Lý Tự Trọng có tổng diện tích đất hơn 1.200 m2, tổng số 81 căn hộ, trong đó sở hữu nhà nước 15 căn hộ; chung cư này đã di dời toàn bộ 81 hộ dân và hoàn thành việc tháo dỡ. Chung cư 350 Hoàng Văn Thụ có tổng diện tích hơn 5.000 m2, có 157 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước đã hoàn thành di dời và tháo dỡ.
Bình luận (0)