Bộ Công an vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ. Theo đó, giấy phép lái xe (GPLX) các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Còn với các GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm thay vì 10 năm như đang được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định.
Từng bị phản đối
Về việc thay đổi thời hạn GPLX, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đang trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ cân nhắc những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện bộ luật này trước khi chính thức trình Chính phủ.
Học viên thực tập lái xe tại Trường Dạy lái xe Thống Nhất (TP HCM).Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đáng chú ý, đề xuất rút thời hạn GPLX từ 10 năm còn 5 năm không mới. Vào năm 2017, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cũng từng đưa ra đề xuất này nhưng vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà chuyên môn.
Cũng theo dự thảo mới này, Bộ Công an đề xuất mỗi GPLX có 12 điểm. Việc trừ điểm GPLX là biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính) được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ. Điểm số sẽ bị trừ khi tài xế vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ của tài xế sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, trong thời hạn 1 năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu tài xế không vi phạm thì GPLX sẽ được phục hồi điểm. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, tài xế muốn được cấp GPLX mới thì phải thi sát hạch lại.
Điểm đáng chú ý, là dự thảo mới cũng quy định người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp GPLX phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật.
Về đề xuất của Bộ Công an, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), không bình luận về đề xuất này vì cho rằng "cùng là cơ quan quản lý nhà nước, nói sẽ không khách quan".
Nghiên cứu theo độ tuổi
Đánh giá đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng nếu rút ngắn thời hạn GPLX sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc và gây phiền hà cho người dân. Hàng triệu người phải đổi lại GPLX, trong khi quy định hiện hành đã ổn định. "Hiện nay, các hạng GPLX ôtô khác có thời hạn 5 năm nhưng phổ biến vẫn là hạng B1 và B2 (10 năm). Nếu buộc phải rút ngắn thời hạn của bằng lái để quản lý sức khỏe tài xế thì phải nghiên cứu và chia theo nhóm tuổi vì người trẻ có sức khỏe tốt, ổn định hơn so với người cao tuổi" - ông Quyền phân tích.
Cũng băn khoăn trước đề xuất của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Định (35 tuổi, quê Nam Định), hành nghề lái xe tải, cho rằng để đổi GPLX phải mất hơn 10 ngày. Đối với tài xế lâu năm, xa nhà thường xuyên, thủ tục này gây phiền hà, tốn kém rất nhiều.
"Chúng tôi hằng năm đều được chủ doanh nghiệp vận tải cho đi kiểm tra sức sức khỏe định kỳ và bản thân cũng tự cập nhật các quy định mới khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm thì bị cơ quan quản lý xử phạt rất nặng nên mỗi lái xe đều có ý thức trong vấn đề này. Do đó, nếu việc cấp lại bằng chỉ để kiểm tra sức khỏe và cập nhật kiến thức cho lái xe là không phù hợp" - ông Định bày tỏ.
Gây bất lợi cho người dân
Thay vì việc quy định thời hạn GPLX, theo ông Nguyễn Văn Định, cơ quan chức năng nên có chế tài mạnh hơn trong việc giám sát các đơn vị vận tải hoặc xử phạt đối với tài xế vi phạm khi tham gia giao thông. Từ đó, lái xe cũng sẽ có ý thức tự giác tốt hơn thay vì cấp lại GPLX chỉ mang tính thủ tục như hiện nay.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng đề xuất giảm thời hạn GPLX ôtô từ 10 năm còn 5 năm của Bộ Công an cần phải có đánh giá thực tế, chính sách xem việc rút ngắn như thế có hợp lý không.
"Theo quy định của pháp luật, GPLX đã có thời hạn và đến thời điểm này không có vướng mắc gì. Nếu Bộ Công an chưa có đánh giá, tổng kết để có số liệu chứng minh việc rút thời hạn GPLX có thể giảm tai nạn giao thông hoặc thuận lợi cho công tác quản lý thì phải xem xét lại đề xuất này. Đề xuất mới phát sinh các thủ tục hành chính, chi phí cho xã hội là điều không nên làm và cơ quan chức năng cũng cần hết sức tránh khi ban hành chính sách mới" - ông Sinh nêu quan điểm.
Để quy định mới thúc đẩy xã hội phát triển, giảm chi phí cho người dân, ông Sinh cho rằng thậm chí cần nghiên cứu hướng tới không còn thời hạn GPLX nữa mà chỉ tính tới hậu kiểm.
"Nếu chưa có đánh giá tổng kết về quy định hiện hành thì không thể cứ suy diễn vài năm sát hạch lại, kiểm tra sức khỏe sẽ tốt hơn. Nền hành chính đang hướng tới thuận tiện, thuận lợi cho người dân nhưng phải bảo đảm an toàn" - ông Sinh nhấn mạnh.
Để giảm thiểu tai nạn, theo ông Sinh, cần có cơ chế khác trong việc đào tạo, quản lý người lái xe tốt hơn chứ không phải đổi GPLX liên tục mới giảm được tai nạn.
Đồng quan điểm này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đề xuất cần phải có cuộc điều tra, khảo sát xã hội học để đánh giá được tác động của việc giảm thời hạn từ 10 năm xuống 5 năm. "Hiện nay, nhận dạng thì có thể xác minh qua mã định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân. GPLX mới có gắn mã số nên có rất nhiều cách để tăng cường công tác quản lý không thể lấy lý do sau 10 năm thay đổi nơi ở, đặc điểm nhận dạng cơ thể hoặc về sức khỏe thì yêu cầu thay đổi. Ngay đối với những người lái xe, họ cũng rất có ý thức về sức khỏe của chính mình" - luật sư Cường nói.
Ông Cường cho rằng đề xuất của Bộ Công an "cái lợi thì chưa thấy đâu; mất mát, lãng phí thời gian và tiền của đã thấy trước mắt rồi".
Bộ Công an muốn cấp giấy phép lái xe
Trước đó, hồi tháng 6-2020, Bộ Công an đã đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của bộ này dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ để lấy ý kiến người dân. Điểm đáng chú ý của dự luật là chuyển nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy GPLX cho Bộ Công an, thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Cụ thể, theo dự thảo luật, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ, quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ; tổ chức thực hiện: sát hạch và cấp, đổi, thu hồi GPLX; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp GPLX...
Bộ GTVT: Giữ nguyên thời hạn như hiện nay
Ông Lương Duyên Thống cho biết tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa quy định về thời hạn GPLX. Tuy nhiên, tại điều 17 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về thời hạn của GPLX, nêu rõ: GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp; GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp; GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
"Tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT cũng đã chuyển các quy định tại Thông tư 12/2017 vào dự thảo luật và đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay" - ông Thống nói.
Bình luận (0)