Ngày 21-10, ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).
Người dân rất mong đợi
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của QH, cho biết nhiều ý kiến đề nghị trong luật cần có một số quy định mang tính chất chuyển tiếp, phù hợp để bảo đảm sự thích ứng của các cơ quan nhà nước liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề xuất 2 phương án về chuyển tiếp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sau khi luật có hiệu lực. Phương án 1: Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú có thời gian chuyển tiếp đến thời điểm 31-12-2022. Phương án 2 là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm luật có hiệu lực thi hành, từ ngày 1-7-2021.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) tán thành việc cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022, để chứng minh thông tin về nơi cư trú. ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng ngành công an khẳng định tới ngày 1-7-2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng các cơ quan khác như thuế, hải quan, BHXH, BHYT, nhà trường,… khó có thể thực hiện đồng bộ. Do vậy, nếu không kéo dài thời gian duy trì sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú thì việc xác minh thông tin sẽ gặp khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Dung (Điện Biên): Việc quy định diện tích tối thiểu để làm điều kiện đăng ký thường trú cho người ở nhà thuê là phân biệt đối xử Ảnh: MINH PHONG
Đại diện cơ quan soạn thảo, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, nêu quan điểm nếu không xác định dứt khoát được thời điểm thì sẽ rất phiền phức cho người dân cũng như hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Nhắc lại phát biểu của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: "Bỏ sổ hộ khẩu là điều mong ước của người dân", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh trước đây, mỗi loại sổ được bỏ đều mang lại sự phấn khởi cho người dân, còn bây giờ, người dân cũng đang rất mong đợi bỏ sổ hộ khẩu.
Theo kế hoạch của Bộ Công an, từ nay tới 1-7-2021 khi luật có hiệu lực, bộ sẽ vận động để người dân đăng ký các loại giấy tờ theo căn cước công dân. Bên cạnh đó, đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thu thập được 90%, đang thẩm định, phúc tra lại và đưa vào hệ thống; 10% còn lại cố gắng hoàn thành trong năm 2020.
Với những kết quả đó, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị thực hiện ngay việc bỏ sổ hộ khẩu giấy khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực.
Ở nhà thuê: Hai phương án đăng ký thường trú
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng quan tâm đến điều kiện để đăng ký thường trú (ĐKTT) tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ là phải bảo đảm diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2/người.
Do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ QH đã thiết kế nội dung công dân được ĐKTT tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện như sau: Thứ nhất, được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho ĐKTT. Thứ hai là bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người (phương án 1); đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 1 năm trở lên (phương án 2).
Đồng tình với quy định điều kiện diện tích tối thiểu không thấp hơn 8 m2 sàn/người, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) nói mức tối thiểu này cũng là mức đã được đưa thành chỉ tiêu phấn đấu và phải hoàn thành trong năm 2020 của hầu hết các địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. "Như vậy, quyền cư trú của người dân được thực hiện đồng đều và thống nhất giữa các địa phương về quy định điều kiện diện tích nhà ở tối thiểu trong thực hiện luật" - ông Bùi Quốc Phòng nêu quan điểm.
Trong khi đó, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lập luận: Việc quy định diện tích tối thiểu như phương án nêu trên sẽ tạo sự phân biệt đối xử, thực hiện quyền cư trú của người dân giữa các địa phương và chưa phù hợp với nguyên tắc quyền tự do dân cư trú. ĐB Thúy đề nghị QH làm rõ hơn sự cần thiết của việc giao cho HĐND cấp tỉnh quy định về diện tích chỗ ở bình quân làm điều kiện cho việc ĐKTT vào chỗ ở do thuê mượn, ở nhờ.
Với quan điểm cá nhân, ĐB Thúy lựa chọn phương án 2.
Đề xuất không dùng hộ khẩu trong quan hệ pháp lý phát sinh mới
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành, được xác lập mới kể từ ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực. Theo ĐB Thủy, việc tích hợp nội dung này vào trong quy định của luật nhằm tạo điểm dừng pháp lý, không dùng hộ khẩu, sổ tạm trú trong các quan hệ pháp lý phát sinh mới. Như vậy, sẽ có tác động để sớm hoàn thành và đồng nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú khi luật có hiệu lực thi hành.
Bình luận (0)