Ngày 2-4, ông Trần Văn Liên (ngụ xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết ông chưa nhận chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu QNa-94679 TS được đóng với kinh phí 16 tỉ đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67/CP vì 2 lý do.
Thiếu tời lưới, bóng đèn
Thứ nhất, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (TP Đà Nẵng) chưa hoàn thiện tàu như hợp đồng ký kết. Cụ thể, theo ông Liên, trước đó, Công ty Bảo Duy đã lắp đặt 3 tời lưới với số tiền 540 triệu đồng. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Liên cho rằng tời lưới này không phù hợp và không thể nào đánh bắt được nên yêu cầu thay tời khác. Lần này, ông Liên chủ động đặt làm 2 tời lưới với số tiền 170 triệu đồng. Tuy nhiên, Công ty Bảo Duy mới đưa cho ông 120 triệu đồng, còn thiếu 50 triệu đồng nên hiện tời lưới vẫn chưa được lắp đặt. Ngoài ra, ông Liên yêu cầu Công ty Bảo Duy lắp đặt hệ thống bóng đèn trên tàu với kinh phí khoảng 42 triệu đồng nhưng doanh nghiệp chưa đáp ứng. "Chiếc tàu chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ hệ thống trang thiết bị thì làm sao tôi nhận về đi ra biển đánh bắt được" - ông Liên lý giải.
Thứ hai, các chi phí phát sinh do chậm bàn giao tàu không biết ai chi trả. Theo ông Liên, trong hợp đồng ông ký với ngân hàng để được vay vốn, trong vòng 6 tháng, ông sẽ nhận tàu nhưng đến nay đã 3 năm vẫn chưa có tàu. Vì trễ hạn bàn giao tàu, cách đây 1,5 tháng, ngân hàng gửi thông báo số tiền phạt quá hạn lên đến 193 triệu đồng. Số tiền này mỗi ngày mỗi nhiều và ai phải chịu chi trả khi lỗi không phải do ông Liên gây ra?
Cho rằng chiếc tàu vỏ thép QNa-94679 TS chưa hoàn thiện nên ông Liên không nhận
Cũng theo ông Liên, nếu tàu không gặp sự cố và bàn giao đúng hạn thì tiền bảo hiểm thân tàu sẽ được nhà nước chi trả. Tuy nhiên, do trễ hạn 3 năm nay nên chính sách ưu đãi không còn. Hiện nay, ngân hàng yêu cầu phải nộp 160 triệu đồng tiền bảo hiểm thân tàu mới chuyển đủ khoản 7,5 tỉ đồng còn lại (số tiền này cũng là số tiền ông Liên nợ Công ty Bảo Duy) trong tổng số 16 tỉ đồng ông vay để đóng tàu.
Chi phí phát sinh tiếp theo là tiền thuê bạn tàu. Ông Liên cho biết vì nghĩ rằng việc bàn giao tàu đúng thời hạn, năm 2016, ông ký hợp đồng với 10 lao động trong 3 tháng với tổng số tiền 180 triệu đồng (6 triệu đồng/người/tháng). Đến nay tàu chưa có, số tiền này ông Liên mất trắng.
"Trước đó, khi thương lượng, tôi đề nghị Công ty Bảo Duy chi trước 600 triệu đồng, bao gồm tiền bảo hiểm, tiền công nhân, tiền nợ quá hạn. Sau này, tòa tuyên nếu bên nào sai thì chịu khoản tiền đó nhưng doanh nghiệp không chịu. Ba năm qua, chạy theo con tàu vỏ thép này, gia đình tôi kiệt quệ. Chúng tôi rất muốn sớm có tàu để vươn khơi bám biển nhưng những vướng mắc chưa được giải quyết thì sao tôi dám nhận tàu" - ông Liên chia sẻ.
"Vô lý và ngang ngược"
Ngày 2-4, phóng viên đã gọi điện và nhắn tin vào số máy của ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc Công ty Bảo Duy, để hỏi về các thông tin mà ông Liên chia sẻ nhưng ông Kỳ không phản hồi. Trước đó, trong đơn kêu cứu, Công ty Bảo Duy cho rằng ông Liên đưa ra yêu cầu buộc Công ty Bảo Duy phải hỗ trợ các khoản tiền gần 600 triệu đồng cũng như hỗ trợ tiền để thay thế và mua mới thêm một số trang thiết bị cho tàu là "hoàn toàn vô lý và ngang ngược". Công ty này cũng cho rằng hợp đồng đóng tàu "đã thực hiện thành công".
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho hay đang lên kế hoạch tổ chức cuộc họp giữa 4 bên gồm Công ty Bảo Duy, Công ty Liên Á, ông Liên và ngân hàng để giải quyết vướng mắc.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 29-3-2016, chiếc tàu của ông Liên bị hư máy khi chuẩn bị chạy thử. Công ty Bảo Duy (đơn vị đóng tàu) và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị cung cấp máy) đổ lỗi cho nhau nên ông Liên khởi kiện ra tòa. Ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ tuyên buộc Công ty Bảo Duy bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Dù kháng cáo nhưng Công ty Bảo Duy đồng ý ứng trước hơn 2,6 tỉ đồng thay máy mới và sửa chữa, hoàn thiện tàu. Đến ngày 30-1, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của Công ty Bảo Duy, buộc Công ty Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1,57 tỉ đồng.
Ngày 30-3, Công ty Bảo Duy gửi đơn kêu cứu vì ông Liên "không chịu nhận tàu". Công ty này cho rằng việc này sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản do khó khăn về tài chính vì ông Liên còn nợ 7,5 tỉ đồng mà không chịu trả. Ngoài ra, thông qua thi hành án, ông Liên còn phải có trách nhiệm đòi nợ Công ty Liên Á để trả cho Bảo Duy 2,6 tỉ đồng mà Bảo Duy đã tạm ứng để mua máy mới cùng chi phí lắp đặt.
Hiệu quả kinh tế thấp
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đến ngày 15-3, các ngân hàng đã ký kết hợp đồng và cam kết cho vay đóng mới 63 tàu cá (24 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite, 37 tàu vỏ thép), đạt 68,5% số tàu cá được phê duyệt. Các tàu này làm nghề mành chụp, câu mực khơi truyền thống. Sản lượng khai thác ở mức tương đối đạt, tuy hiệu quả kinh tế chưa cao như mong đợi nhưng cũng có lãi, người lao động có thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng. Các tàu cá vỏ thép làm nghề lưới rê hỗn hợp, có hiệu quả khai thác cầm chừng, thu nhập không cao...
Bình luận (0)